Tìm lại dấu xưa: Vang vọng Tổng Binh

Phạm Anh
Phạm Anh
11/03/2024 07:30 GMT+7

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, hơn 550 năm trước, vua Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn đem quân thủy bộ quấy nhiễu biên cương Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đích thân dẫn quân đánh dẹp.

Mùa xuân năm 1471, đoàn quân vua Lê Thánh Tông đã đến vùng đất Vạn Tường (xã Bình Hải, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi). Bóng cờ, quân reo giờ đã phủ bóng thời gian nhưng những địa danh như: Vạn Tường, Động Hàng Đô, Tổng Binh… vẫn còn vang vọng.

Vạn Tường giờ là tên gọi của một thôn, Động Hàng Đô được cho là ở gần Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường (xã Bình Hải), còn Tổng Binh phải chăng là làng chài Phước Thiện (xã Bình Hải) bây giờ?

Tìm lại dấu xưa: Vang vọng Tổng Binh- Ảnh 1.

Chợ Tổng Binh xưa, nay là chợ rỗi làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

ĐI CHỢ TỔNG BINH

Quảng Ngãi có câu ca dao: Sa Cần, Châu Ổ bao xa/Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh/Nam Châm, Cổ Ngựa trời sinh/Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.

Một sớm đi tìm "Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh", chúng tôi xuôi về chợ rỗi ở làng chài thôn Phước Thiện, chứng kiến cảnh đông đúc náo nhiệt từ sáng sớm mùa đông lúc 5 giờ 30.

Chợ rỗi ở đây rất đặc biệt. Hàng trăm phụ nữ í ới mua bán khi ghe nhỏ, thuyền thúng chở hải sản từ tàu neo đậu cách bờ biển vài trăm mét bơi vào. Cánh đàn ông sau khi kéo thúng vào bờ cát, ngồi gác chân nửa nước nửa bờ nghỉ ngơi, nhìn các bà mua bán cá, mực hoặc ngắm bình minh.

Tìm lại dấu xưa: Vang vọng Tổng Binh- Ảnh 2.

Chợ Tổng Binh xưa, nay là chợ rỗi làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

Vì sao gọi là "chợ rỗi" và chỉ có phụ nữ mua bán? Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, giải thích: "Rỗi là nói về phụ nữ rảnh rỗi không biết làm gì, đi mua hải sản bán lại kiếm lời. Ngày chưa có xe đạp, xe máy, các bà gánh thúng đi bộ, qua đò ngang mấy bận mới đến TT.Châu Ổ và các xã khu tây H.Bình Sơn, tận 20 - 30 km chứ không ít. Bây giờ, họ dùng xe máy chở đi bỏ mối các chợ, hoặc bán mua tại chỗ".

Ông Thính cho rằng làng chài Phước Thiện có từ hàng trăm năm trước, từ thời vua Lê đi qua nơi đây, trú quân, duyệt binh tại làng Vạn Tường. Còn chợ rỗi Phước Thiện ngày nay, ông bà nhiều đời hay gọi là chợ Tổng Binh. "Ai từ các xã lân cận đến đây cũng nói là đi chợ Tổng Binh. Giờ không hiểu "tổng binh" là gì, nhưng làng cá này náo nhiệt từ xưa đến nay", ông Thính nói.

Chợ Tổng Binh gối đầu lên bãi cát trắng giáp biển, dài cả cây số, mé tây là làng chài Phước Thiện đông đúc, nhà nối tiếp nhà. Nhiều thế hệ qua, do sóng biển đánh phủ vào làng chài gây sạt lở, nuốt trôi nhiều nhà dân trong mùa mưa bão nên tỉnh Quảng Ngãi đầu tư bờ kè chắn sóng dọc theo bãi cát, trong đó có chợ Tổng Binh. Nhưng dù làng chài thay đổi ra sao thì chợ rỗi vẫn họp vào mỗi tinh sương. Ở nơi họp chợ, vào mùa biển không động, có thể nhìn rõ đảo Lý Sơn cách đó nhiều hải lý qua lớp lớp sóng cồn.

TÊN "TỔNG BINH" CÓ TỪ BAO GIỜ ?

Ngược thời gian, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Giữa năm 1306, công chúa Huyền Trân về đất Chiêm Thành, một phần sính lễ là Châu Ô và Châu Lý được dâng cho Đại Việt. Tháng giêng năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi Châu Ô và Châu Lý làm Châu Thuận và Châu Hóa. Tiếp tục, sau cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, biên giới Đại Việt được mở rộng về phía nam.

Tìm lại dấu xưa: Vang vọng Tổng Binh- Ảnh 3.

Vùng vịnh Tổng Binh, Vũng Quýt, ở Khu kinh tế Dung Quất (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ (nhà nghiên cứu văn hóa, ở Quảng Ngãi), Tổng Binh là chức võ quan, nhưng chữ "Tổng Binh" ở đây thì theo giáo sư Nguyễn Đình Thảng (chuyên gia Hán Nôm ở Trường ĐH Tổng hợp Huế, quê ở xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn), đó là từ "Tổng đại hành binh". Sau này, dân gian gọi gọn lại là "Tổng Binh". Vì vậy, có thể khi đại binh của vua Lê vào vùng đất này, chữ "Tổng Binh" bắt đầu xuất hiện ở đây.

Cũng theo TS Nguyễn Đăng Vũ, tại thôn Phước Thiện và cả xã Bình Hải bây giờ, còn nhiều địa danh được cho là gắn liền với cuộc hành binh của vua Lê ngày đó. Điển hình như Động Hàng Đô là nơi đóng quân của tướng sĩ nhà Lê, còn Vạn Tường là nơi vua Lê làm lễ duyệt binh, xuất kích vào phía nam. Tại đây, vua Lê phán: "Thiên giáng Vạn Tường, chúc chư đô toàn thắng". Tướng sĩ hô vang "Vạn Tường" mấy bận. Hiện nay, Động Hàng Đô được cho là ở gần Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường và tiếng hô vang rền của tướng sĩ ngày ấy, vô tình trở thành tên thôn Vạn Tường của xã Bình Hải hiện nay.

DẤU VẾT CỦA CỘNG CƯ VIỆT - CHĂM

TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết qua nghiên cứu từ các di tích để lại, có thể vùng biển Bình Hải, nhất là làng chài Phước Thiện (Tổng Binh) có dấu vết của sự cộng cư Việt - Chăm. Điển hình có thể là giếng Thanh Thủy ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải). Dân trong vùng gọi là giếng "Vương" và kể rằng vua Gia Long thời bôn ba đã vào đây đào giếng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu ở Quảng Ngãi thì chưa tìm ra sử liệu nói về chuyện này.

Tìm lại dấu xưa: Vang vọng Tổng Binh- Ảnh 4.

Làng chài Phước Thiện có dấu vết cộng cư Việt - Chăm một thời

PHẠM ANH

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, trong hành trình nam chinh mở mang bờ cõi của các vua Việt ngày trước, cư dân bản địa sinh sống trên địa bàn luôn được khuyến cáo ở lại sống cùng binh lính và dân Việt di cư. Vì vậy, cuộc sống cộng cư còn để lại nhiều dấu vết. Dọc vùng biển H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) hiện còn rất nhiều di tích Chiêm Thành và các truyền thuyết cộng cư Việt - Chăm. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.