Tìm lại dấu xưa: Những cuộc nổi dậy ở Hương Điểm

Hoàng Phương
Hoàng Phương
09/03/2024 06:59 GMT+7

Khi 3 tỉnh miền Đông và 3 tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay giặc Pháp, ngày 19.7.1867, Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản bắt đầu tuyệt thực. Trước khi mất, ông khuyên các con hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây, hãy ráng phò vua, giúp nước, nhưng các con ông đã quyết liệt chống Tây.

Cuộc nổi dậy bất thành

Sau khi thân phụ ra đi, hai anh em Phan Liêm và Phan Tôn bắt đầu chiêu tập nghĩa quân nổi dậy chống thực dân Pháp. Tháng 10.1867, khi trung úy hải quân Pháp Palasme de Champeaux vừa đặt chân tới Bến Tre nhậm chức Tham biện thì đã phải đương đầu với cuộc khởi nghĩa do Phan Liêm và Phan Tôn phát động. Cuộc khởi nghĩa không chỉ lan rộng ở cù lao Bảo, cù lao Minh mà còn lan sang Mỹ Tho và Trà Vinh.

Tìm lại dấu xưa: Những cuộc nổi dậy ở Hương Điểm- Ảnh 1.

Đền thờ Phan Ngọc Tòng ở ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp, H.Ba Tri, Bến Tre

Hoàng Phương

Đêm 9 rạng sáng 10.11.1867, lực lượng nghĩa quân do Phan Liêm và Phan Tôn chỉ huy tấn công quân Pháp ở Hương Điểm, lấy được nhiều tài liệu quan trọng, súng ống và một khẩu đại bác. Được tin Hương Điểm bị tấn công, ngày 12.11.1867 trung tá hải quân Ansart đem theo 150 thủy quân lục chiến cùng 3 pháo thuyền đến tiếp viện. Ngày hôm sau, Giám đốc nội vụ Paulin Vial dẫn thêm 200 lính mã tà tới phối hợp cùng Ansart để đàn áp cuộc nổi dậy. Nhưng nghĩa quân đã dùng bè và cọc làm chướng ngại vật ngăn thuyền giặc rồi vây đánh ác liệt. Trước đó, Ansart là một trong ba người ngoại quốc, là nhân chứng lịch sử chứng kiến cái chết của Phan Thanh Giản ngày 4.8.1867 tại thành Vĩnh Long.

Ngày 14.11.1867, chính quyền Pháp ở Sài Gòn cử Tôn Thọ Tường và Đỗ Hữu Phương đến gảnh Mù U, cõi Ngao Châu vùng sông Hàm Luông để dụ hàng hai người con của Phan Thanh Giản nhưng bất thành. Rồi đêm 15.11.1867, nghĩa quân tiếp tục tấn công quân Pháp ở Ba Tri và các pháo thuyền giặc dọc theo sông Hàm Luông. Nhưng vì yếu thế, vũ khí thô sơ không chống nổi hỏa lực của giặc nên buộc phải rút lui.

Theo Nguyễn Duy Oanh trong Chân dung Phan Thanh GiảnTỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam, sau cuộc khởi nghĩa không thành, Phan Liêm và Phan Tôn chạy ra Bình Thuận rồi tới kinh thành Huế nhưng triều đình đối xử với hai ông rất lạnh nhạt. Gặp lúc Nguyễn Tri Phương được lệnh ra Bắc giữ thành Hà Nội, hai ông xin theo phò tá. Ngày 20.11.1873, khi thành Hà Nội thất thủ, hai anh em Phan Liêm và Phan Tôn bị bắt làm tù binh. Thời gian sau Pháp giao hoàn cho triều đình Huế.

Người ra khẩu lịnh "hè hè"

Chuyện kể rằng, ngày xưa, khi vùng Ba Tri còn hoang vu, có người đàn bà (không rõ tên) đến khai phá rừng, lập ấp. Để tỏ lòng biết ơn, người dân tự nguyện hiến cho bà 6 phần đất tốt nhất, xung quanh mỗi phần đất trồng tre để làm ranh giới, vì vậy tre mọc rất nhiều. Người ta gọi là giồng tre làng Tân Hào, tổng Bảo Phước, quận Ba Tri. Trong số đất được hiến, bà cắt ra một phần để tặng lại cho Hương chủ Trần Văn Điểm vì người này có công lập chợ và cũng vì vậy chợ này mang tên Hương Điểm.

Khi toán quân của Ansart đến Hương Điểm chưa kịp đóng đồn nên lấy những chiếc rương xe của dân (loại rương lớn bằng gỗ, có bánh xe) đẩy ra đường rồi đặt khít vào nhau thành một vòng tròn tại chợ, làm công sự che chắn. Ban đêm, một toán lính canh gác thì toán khác thay phiên ngủ trong vòng tròn đó. Trận tập kích Hương Điểm diễn ra vào đêm 15.11.1867 sau khi Phan Thanh Giản vừa mất 3 tháng. Trong trận này, Trương Tấn Chí, là cháu Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, xung phong phất cờ tiến lên trước và bị quân Pháp bắn chết.

Tìm lại dấu xưa: Những cuộc nổi dậy ở Hương Điểm- Ảnh 2.

Mộ Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản ở Ba Tri

Hoàng Phương

Tài liệu của Paul Vial (Phù Lang Trương Bá Phát dịch, đăng trên Tập san Sử Địa số 17 - 18 năm 1970) ghi chép về diễn biến 2 trận đánh ở Hương Điểm ngày 12 và 15.11.1867 như sau: "Khi được mật báo có loạn, De Champeaux tới chợ Hương Điểm nhưng không bắt đặng ai, vì nghe tin De Champeaux đến, dân chúng lánh mặt hết. Đêm 9 và ngày 10.11.1867, De Champeaux cho đóng trại ở một ngôi chùa gần chợ với vài mã tà. Ngoài ra còn có trung úy chiến hạm Edouard Pottier đem theo vài thủy thủ tiếp trợ".

Mô tả về trận đánh đêm 15.11.1867, Paul Vial viết tiếp: "Đêm xuống, người ta đóng binh theo hình vuông ngoài trời, trên một đồi cát cao (còn gọi là Giồng Gạch). Hai mặt do binh Pháp canh, hai mặt do mã tà thủ. Khoảng 2 giờ khuya, tiếng la ó "cầm súng lên" của nhiều binh gác hô một lượt. Kế đó là lối 12 tiếng súng, cùng lúc 4 hướng tiếng trống nổi lên dồn dập và tiếng la của nhiều người hiệp lại. Một khối khổng lồ quân phiến loạn bao vây và công kích tất cả các mặt. Súng bắn ngay đám đông. Bọn công hãm rút lui khỏi chiến trường rồi hiệp nhau trở lại vây hãm nữa".

Lúc nghĩa binh xung phong đánh giáp lá cà với giặc Pháp, người ra khẩu lịnh tiến quân với hai tiếng "hè hè" là Hương giáo Phan Ngọc Tòng (còn có tên Phan Công Tòng), người làng An Bình Đông. Trong trận Giồng Gạch, ông tử trận, nghĩa binh hy sinh gần hết, vì vậy dân làng gọi địa danh này là "Gò Trụi". Họ chỉ có gươm giáo, mã tấu, nhưng đã khiến quân thù khiếp sợ.

Có huyền thoại liên quan đến Phan Ngọc Tòng như sau: Thái Hữu Kiểm, tức Ông già Ba Tri, người làng An Bình Đông, có 2 vợ. Người vợ thứ của ông rất nhiều con, trong đó có Thái Hữu Viết và Thái Hữu Thạnh, thuộc hàng giàu sang quý tộc trong làng và được triều đình Huế phong chức bá hộ.

Một hôm, Thái Hữu Thạnh mua ván, rước thợ mộc về nhà đóng một hàng sanh. Sau khi làm lễ cúng tổ xong, người thợ mộc cầm rìu chém vào tấm ván. Một miếng dăm nhỏ văng ra. Người thợ nhặt miếng dăm lên xem rồi im lặng về nhà, nói riêng với vợ: "Nhà ông Thạnh nhơn đức. Sao hôm nay ông rước tôi về đóng hàng sanh cho ông mà cái dăm bị chặt văng ra lại ứng trước người nằm trong cái hòm đó không có đầu".

Khi giặc Pháp tới Ba Tri, thấy thế giặc hung hăng mà quân binh của làng không ai lãnh đạo, Phan Ngọc Tòng đứng ra nhận chức lãnh binh. Nghĩa quân theo ông rất đông nhưng vũ khí thô sơ, chỉ có gươm giáo, mã tấu. Đêm ấy ông chỉ huy nghĩa quân tập kích vào Gò Trụi. Ông ra khẩu lịnh "hè hè" rồi xung phong đánh giáp lá cà với giặc. Chẳng may ông tử trận và bị mất đầu. Thủ lĩnh hy sinh, nghĩa quân chạy tán loạn. Hôm sau, người thân tìm được thi thể ông ngoài ruộng, không đầu. Khi đưa thi thể ông về nhà, người ta lấy cái hòm của bá hộ Thái Hữu Thạnh chôn và nắn thêm cái đầu bằng sáp.

Hiện nay, bên vệ đường ở ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp, H.Ba Tri (Bến Tre) có một nhà bia mới xây dựng trên nền của một ngôi miếu cũ. Ở đó có tấm bia lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.