'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những bức tranh gương làm lộ sáng di tích

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
24/02/2024 06:47 GMT+7

Trong quá trình sưu tầm và số hóa nguồn tư liệu ảnh cũ, mới đây nhóm nghiên cứu Tân Đô Thành Hiếu Cổ phát hiện và giải mã những bức tranh gương của điện Cần Chánh lưu lạc, qua đó cung cấp nhiều đáp án mới...

NHỮNG PHÁT HIỆN QUÝ GIÁ

Khi dự án nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đang trong những bước cuối cùng để hoàn thiện, thì mới đây Nguyễn Tấn Anh Phong và các cộng sự trong nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ bất ngờ phát hiện hai bức tranh gương từ bức ảnh đăng trên Facebook cá nhân của một người. Khi chụp ảnh, người này đang tham dự một hoạt động ở Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những bức tranh gương làm lộ sáng di tích- Ảnh 1.

Bức tranh gương Trì lưu liên phảng tại ĐH Huế được nhóm của Nguyễn Tấn Anh Phong tìm thấy và xác định chính là bức tranh đã treo trong điện Cần Chánh qua một bức ảnh tư liệu được số hóa

NGUYỄN TẤN ANH PHONG

Quả là một "kỳ duyên"! Bởi từ tấm film tư liệu màu về nội điện Cần Chánh mà nhóm đã số hóa, Phong và các cộng sự đối sánh, làm rõ một trong hai bức tranh gương ở Khoa Lịch sử vừa nhắc chính là bức Trì lưu liên phảng từng được treo trên cột C6 ở điện Cần Chánh khi ngôi điện này chưa bị phá hủy.

Bức tranh cao khoảng 105 cm, khung tranh được chạm 5 con rồng, 5 móng vờn mây tượng trưng cho uy quyền của nhà vua, bên trong vẽ cảnh 3 chiếc thuyền nhỏ đang lướt đi trên mặt sóng. Trên bức tranh có chạm một bài thơ, được xác định là ngự chế của vua Thiệu Trị, niên đại năm 1845.

Ngoài bức Trì lưu liên phảng, bức tranh gương còn lại ở Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế cũng được xác định là bức Lang tập quần phương, vẽ cảnh một vườn phủ đệ xưa với ao nước, dinh thự... Hiện nhóm của Phong đang tiếp tục xác minh thêm nghi vấn đây cũng là bức tranh gương từng được treo trong điện Cần Chánh.

Về số phận lưu lạc của bức tranh gương từ điện Cần Chánh đến Khoa Lịch sử, nhóm Nguyễn Tấn Anh Phong đã tìm hiểu và được biết bức tranh này do chính quyền cũ lúc ấy mang tặng Viện ĐH Huế nhân dịp thành lập viện vào năm 1957. Về sau, cổ vật này được lưu hành bên trong ĐH Huế. Cho đến khi thành lập Bảo tàng Dân tộc học trong Khoa Lịch sử - ĐH Tổng hợp Huế (tiền thân của Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế hiện nay) khoảng năm 1978 - 1979, bức tranh được đưa về Bảo tàng Dân tộc học trong Khoa Lịch sử và tồn tại cho đến nay.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những bức tranh gương làm lộ sáng di tích- Ảnh 2.

Bức tranh gương được nhìn thấy từng treo trên tường của Viện ĐH Huế trong một bức ảnh tư liệu trước khi đưa về Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế

TƯ LIỆU CỦA NGUYỄN TẤN ANH PHONG

Ngoài bức tranh gương ở Khoa Lịch sử, một chiếc gương lớn từng để sau lưng ngự tọa của điện Cần Chánh được Nguyễn Tấn Anh Phong xác định hiện được dựng ở Hữu vu (ngôi nhà bên phải của điện Cần Chánh). Một bức tranh gương khác có tên Thanh trì hương luyện đang được treo ở cung Diên Thọ cũng được xác định từng treo ở cột C5 của điện Cần Chánh.

Mới đây nhất, nhóm của Nguyễn Tấn Anh Phong xác định được thêm bức tranh gương Sơn tủng tùng đình vẽ vườn Cơ Hạ đang được treo ở điện Long An (Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế) cũng chính là bức tranh gương từng được treo ở cột C7 bên trong điện Cần Chánh. Nhóm cũng phân tích, xác định bức tranh gương được treo ở cột D5 theo bản vẽ mặt bằng của điện Cần Chánh chính là bức Thiên Mụ chung thanh của vua Thiệu Trị tả về ngôi chùa Thiên Mụ (còn gọi Linh Mụ) nổi tiếng hiện đang nằm trong kho của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

XÁC ĐỊNH CHIỀU CAO ĐIỆN CẦN CHÁNH

Thêm một điều lý thú nữa là từ chiều cao của những bức tranh gương được phát hiện và chiều cao của tấm gương ở Hữu vu, nhóm của Nguyễn Tấn Anh Phong áp dụng phương pháp chiếu phối cảnh từ một tấm ảnh tư liệu chụp giai đoạn trước thời vua Khải Định để tìm ra chiều cao của các cột bên trong điện Cần Chánh.

'Kỳ duyên' phục hồi điện Cần Chánh: Những bức tranh gương làm lộ sáng di tích- Ảnh 3.

Nhóm của Nguyễn Tấn Anh Phong đo kích cỡ tấm gương tại Hữu vu để đối sánh với hình tư liệu, xác định chiều cao của các cột trong điện Cần Chánh

NGUYỄN TẤN ANH PHONG

"Chúng tôi đã số hóa tư liệu, làm rõ đến cái chân gương bên trong điện Cần Chánh. So sánh với chân gương hiện tại thì xác định hai chân gương này không cùng một loại, từ đây chúng tôi chỉ chiếu phối cảnh và tìm chiều cao của khung gương, cho ra kết quả khung gương này có chiều cao là 3,324 m. Thực tế đo đạc khung gương thì chiều cao chúng tôi ghi nhận được là tròn 3,3 m. Lấy chiều cao này để dò kết quả, chúng tôi chỉ sai số 24 mm so với kết quả chiếu hình", Nguyễn Tấn Anh Phong giải thích.

Chia sẻ về việc tham gia phản biện và đóng góp để hoàn thiện cho dự án phục nguyên điện Cần Chánh, Nguyễn Tấn Anh Phong cho biết các thành viên trong nhóm luôn đau đáu với các câu hỏi: "Điện Cần Chánh đề xuất dự án phục nguyên như vậy đã đúng chưa? Điện Cần Chánh đã đẹp chưa?...". Với dự án vừa được báo cáo, nhóm đồng thuận vì phương án đề xuất tu bổ, phục hồi và tôn tạo rất đẹp, cả trong bản vẽ và trong phối cảnh. "Đúng và đẹp là những gì chúng tôi tìm mọi cách để tương tác, giúp cho di sản được trả về", Phong chia sẻ.

Nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ còn tiết lộ đang thương thảo mua lại một số ảnh về nội điện Cần Chánh ở phiên giao dịch tại Pháp. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.