Giữ điểm cao 499
Ông là hạ sĩ Nguyễn Duy Nhất, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang khi đang là y tá của Ban Chỉ huy Quân sự H.Cao Lộc (Lạng Sơn), khi ấy mới 20 tuổi.
Lịch sử Quân khu 1 ghi rõ: Sáng 17.2.1979, lính Trung Quốc tràn sang xã biên giới Xuất Lễ (H.Cao Lộc, Lạng Sơn) theo đường tỉnh 235, dự định kéo về san phẳng TP.Lạng Sơn. Đại đội 2, Tiểu đoàn 8 thuộc Ban Chỉ huy Quân sự H.Cao Lộc (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn) đóng trên điểm cao 499 lập tức đã đánh trả, chặn bước tiến của địch.
Sau nhiều lần bắn phá ác liệt bằng pháo lớn, lính Trung Quốc mở nhiều đợt tấn công hòng quyết chiếm điểm cao để lấy đường đi và khống chế khu vực. Trận địa mù mịt khói đạn, bộ đội thương vong gần hết, nhưng y tá Nguyễn Duy Nhất vẫn vượt qua mọi hiểm nguy, tìm kiếm, cấp cứu và chuyển thương binh về nơi an toàn. Trở lại trận địa, y tá Nhất dùng các loại súng của đồng đội đã thương vong để đánh địch...
Trưa 17.2.1979, địch tập trung hỏa lực bắn phá ác liệt vào trận địa và cho quân ồ ạt tấn công. Đơn vị vừa thương vong nặng, vừa hết đạn nên rút về tuyến sau. Y tá Nguyễn Duy Nhất sau khi đưa hết thương binh, liệt sĩ ra vòng ngoài đã xung phong quay chặn địch, để đơn vị rút lui.
Ngày 20.12.1979, hạ sĩ Nguyễn Duy Nhất được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vì "lập được nhiều thành tích trong cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía bắc nước ta".
Tìm lại những anh hùng: 45 năm đau đáu tìm mộ chồng
Tình yêu của người anh hùng
Chúng tôi tìm đến căn nhà nằm sâu trong ngõ đường Bến Oánh (tổ 5, P.Túc Duyên, TP.Thái Nguyên), bà Mai Thị Hằng, vợ anh hùng Nguyễn Duy Nhất, tất tưởi chạy từ chợ cóc Túc Duyên về, tay vẫn còn lấm lem: "Ông ấy mất đầu năm 2004, khi chạy xe ôm chở khách từ Võ Nhai sang Cao Lộc (Lạng Sơn), đúng nơi đã sống và chiến đấu".
"Mới gặp anh Nhất, tôi không hề nghĩ người đàn ông bé nhỏ chưa đến 50 kg, mảnh khảnh như con gái và hơi tí là đỏ mặt xấu hổ ấy lại là Anh hùng lực lượng vũ trang", bà Hằng nói về ấn tượng ban đầu.
Sau trận 17.2.1979, hạ sĩ Nguyễn Duy Nhất về học chuyên tu trung cấp quân y. Cuối năm 1980, ông tốt nghiệp và lại học bổ túc văn hóa trung học ở Trường văn hóa Quân khu 1. Thời gian này, ông được bạn học cùng lớp dẫn vào Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) chơi và yêu nữ chiến sĩ thông tin Mai Thị Hằng. Tháng 12.1983, thiếu úy Nguyễn Duy Nhất hoàn thành khóa học, về đơn vị mới trên Cao Bằng.
Tháng 2.1984, vợ chồng ông bà cưới nhau. Hết kỳ nghỉ, ông Nhất lại vác ba lô lên Trung đoàn 567 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng). Cuối năm ấy, bà Hằng sinh con đầu Nguyễn Thị Hiền và ốm liệt giường khiến ông Nhất lại tất tả xin nghỉ phép về chăm sóc, dỗ dành vợ "về quê nội (xã Liên Minh, H.Võ Nhai, Thái Nguyên) ở để có họ hàng giúp đỡ".
Vốn con gái thành phố, ít khi phải làm việc nặng nên ban đầu bà Hằng không đồng ý lên vùng rừng núi. Nhưng thương chồng đi lại vất vả, bà đành bế con rời phố lên rừng. Những ngày đầu ở quê chồng, bà Hằng vừa khóc vừa làm quen với mọi công việc. Từ đi bộ lấy củi, gánh nước dưới suối, cuốc đất trồng rau cho đến tập cấy lúa, phát cây làm nương rẫy...
"Lên rừng sợ vắt, xuống ruộng sợ đỉa, bà con trong bản cứ tò mò hỏi sao người ta muốn ra phố không được, mình lại bỏ phố lên chốn khỉ ho cò gáy này", bà Hằng ngấn nước mắt kể lại rồi mỉm cười tự hào: "Chả lẽ tôi lại nói với mọi người là vì tôi yêu anh Nhất, có đi đâu tôi cũng đi".
Thương vợ vất vả, năm 1988, thượng úy Nguyễn Duy Nhất chuyển công tác về Ban Chỉ huy Quân sự H.Võ Nhai. Tiếng là gần nhà, nhưng tần suất về với vợ con cũng tính bằng tháng, bởi vượt qua đoạn đường núi gần 20 km với 6 con suối, 1 con sông luôn bất thường lũ quét.
Năm 1990, thượng úy Nguyễn Duy Nhất xin phục viên về làm ruộng, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Do là Anh hùng lực lượng vũ trang chống quân xâm lược duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, nên ông được cấp mảnh đất ở thị trấn Võ Nhai với điều kiện: "Sĩ quan, đảng viên 31 tuổi, phải làm Phó chủ tịch - Trưởng công an xã".
Hết mình vì công việc, ông Nhất cứ "vác tù và hàng tổng" suốt ngày đêm, nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 1994, vợ chồng ông phải bán mảnh đất được cấp để mua con trâu, mảnh ruộng và ông xin nghỉ việc xã để tập trung sản xuất, nuôi các con ăn học.
Tự thân kiếm sống
Đầu năm 2000, những người chạy xe ôm ở chợ Tràng Xá (H.Võ Nhai) rất bất ngờ khi thấy một người đàn ông cao gầy, đầu húi cua, mặc quần áo bộ đội cũ dắt chiếc xe minsk Liên Xô ra trước cổng chợ chờ đón khách. Cứ đến trưa lại lấy cơm nắm chấm muối ra ăn.
Một hôm, ô tô của huyện từ thị trấn Đình Cả vào công tác, ngang qua chợ chợt dừng lại, mấy cán bộ lao ra tay bắt mặt mừng với ông. Từ đó, những người hành nghề xe ôm ở đây mới biết ông là Anh hùng lực lượng vũ trang.
"Từ hôm đó, ông ấy hay được nhường khách nên tối về vui lắm, cứ luôn miệng bảo: Làm Anh hùng lực lượng vũ trang cũng có cái lợi", bà Hằng nhớ lại và mở tủ, lấy cho chúng tôi xem các kỷ vật của chồng.
"Ông ấy làm quần quật, khuya mấy mà có khách gọi là đi. Buổi trưa không dám vào quán cơm bình dân, chỉ ăn mì tôm để dành tiền nuôi 2 đứa con ăn học. Tiền mua xe, mấy năm sau mới trả hết. Cả huyện biết có Anh hùng lực lượng vũ trang chạy xe ôm, nhưng trên miền núi nghèo quá, chẳng ai giúp được gì. Ngày lễ lạt, kỷ niệm, tỉnh, huyện mời đi dự nhưng ông ấy hay từ chối vì tiếc buổi chạy xe", bà Hằng kể.
Buổi sáng 13.3.2004, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Duy Nhất dậy sớm chở khách sang thị trấn Cao Lộc (Lạng Sơn) và hẹn vợ "trưa về ăn cơm nhà". Đợi mãi đến chiều, bà Hằng thất thần khi nhận tin dữ ông bị tai nạn giao thông trên đường mưu sinh, đưa vào bệnh viện được mấy chục phút thì mất.
"Tối hôm trước, ông ấy vẫn còn kể với tôi chuyện cứu chữa anh em và giữ chốt ngày 17.2.1979", bà Hằng cứ nhắc lại di nguyện của chồng rồi rơm rớm nước mắt: "Có lần ông ấy làm đơn xin trở lại quân đội nhưng người ta bảo: Nếu xảy ra chiến tranh, có tổng động viên thì may ra mới quay lại được. Ông ấy lắc đầu: Đất nước này đổ xương máu nhiều rồi, có ai muốn chiến tranh, muốn thành anh hùng đâu?".
Tháng 3.2004, những đồng đội dự đám tang Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Duy Nhất nhìn thấy ngôi nhà tre nứa trên đỉnh đồi đã phải thốt lên: "Sao mà sống khổ vậy?", khiến bà Hằng rưng rưng nhưng tự hào: "Ông ấy bảo: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cá nhân nhưng là máu xương của cả đơn vị. Anh em chết để cho mình sống. Không thể dùng danh hiệu để đổi chác, xin xỏ và đòi ưu đãi. Nghèo khó mấy cũng phải tự kiếm sống".
Lời dặn của người anh hùng đã ngấm vào tâm thức của những người thân, thế nên con gái lớn của ông bà tốt nghiệp trung cấp dược nhưng giờ vẫn đang làm tạp vụ ở Trung tâm dạy nghề TP.Thái Nguyên. Cậu út hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Sư đoàn 3 (Quân khu 1), hiện đang làm lái xe ở Tỉnh ủy Thái Nguyên. Bà Hằng, từ hồi chuyển nhà về TP.Thái Nguyên (2007) vẫn tần tảo kiếm sống từ nồi xôi, chảo bánh rán ở cổng chợ Túc Duyên.
Bà Hằng tự hào: "Ông ấy là anh hùng với đất nước và hết mình lo lắng chăm sóc gia đình đến phút cuối đời, là đủ rồi!".
Tìm lại những anh hùng: Người chiến sĩ nổi tiếng với lối đánh tạt sườn
Ngọn lửa Hoành Mô
Anh hùng Đỗ Chu Bỉ, sinh 1952, quê xã An Lâm, Nam Sách, Hải Dương. Khi hy sinh là trung úy, Đại đội phó Đại đội 6, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh).
Trong trận đánh ngày 1.3.1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300 m, cách Đồn biên phòng Hoành Mô 400 m. Ông đã chỉ huy bộ đội kiên cường đánh địch, giữ chốt. Khi địch chiếm được giao thông hào bên phải chốt, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy đánh giáp lá cà, đẩy địch ra khỏi chiến hào.
Địch tăng viện thêm lực lượng, tấn công ở 2 hướng, Đỗ Chu Bỉ chỉ huy đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, còn ông ở lại bảo vệ chốt A1. Địch liên tiếp phản công, ông đã anh dũng hy sinh trên chiến hào. Ngày 19.12.1979, Đỗ Chu Bỉ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Chúng tôi tìm về xã An Lâm (H.Nam Sách, Hải Dương), gặp ông Đỗ Chu Lương là anh trai liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ, nghe kể chuyện: Đỗ Chu Bỉ là con thứ 3 trong gia đình có 10 người con. Khi anh Bỉ nhập ngũ, 2 người anh trai là Đỗ Chu Lương và Đỗ Minh Tuấn vẫn đang trong quân ngũ.
Cuối năm 1978, anh Bỉ được về đón Tết Kỷ Mùi 1979. Đến mồng 5 tết âm lịch (1.2.1979), anh nhận điện lên ngay đơn vị và nửa tháng sau, trung úy Đỗ Chu Bỉ hy sinh, khi 27 tuổi, vẫn chưa kịp lập gia đình.
Cuối năm 1982, thượng úy Đỗ Minh Tuấn (Phó tiểu đoàn trưởng tên lửa thuộc Trung đoàn 238, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân) lên Hoành Mô đưa hài cốt em trai Đỗ Chu Bỉ về quê. Chưa đầy 2 tháng sau (tháng 2.1983), thượng úy Tuấn trong khi trực tết ở đơn vị, bị bệnh hiểm nghèo và mất ngay sau đó, khi vừa tròn 36 tuổi.
Bây giờ, trên bàn thờ gia đình, treo khung ảnh 2 người lính - 2 anh em cùng đeo quân hàm thiếu úy: Người em là liệt sĩ, được phong tặng anh hùng, còn anh trai mất khi đang trực chiến, thì chỉ là tử sĩ.
Sĩ quan đặc công
Ông Đào Văn Quân sinh năm 1950; quê quán tại xã Cộng Lạc, H.Tứ Kỳ, Hải Dương; nhập ngũ tháng 2.1971. Khi tuyên dương anh hùng là trung úy - chính trị viên Tiểu đoàn 45, Bộ Tư lệnh đặc công.
Từ 1972 - 1974, Đào Văn Quân chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên. Năm 1979, trong cuộc chiếu đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông cùng đại đội trưởng chỉ huy đơn vị chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, có nhiều cách đánh táo bạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Ngày 21.2.1979, đơn vị hành quân vào thị xã Cao Bằng thì bị địch phục kích. Trong tình huống bị động, ông nhanh chóng tổ chức đội hình chiến đấu, đánh địch từ sáng đến chiều.
Ngày 10.3.1979, Đào Văn Quân và đại đội trưởng đã chỉ huy đơn vị kiên trì bí mật phục kích, diệt gọn 1 đoàn xe 18 chiếc, phá hủy 2 giàn hỏa tiễn H12. Ngày 20.12.1979, ông được tặng danh hiệu anh hùng.
Ông Đào Văn Quân phát triển lên Trung tướng, Chính ủy Binh chủng Đặc công, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Bình luận (0)