45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2024)

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá

15/02/2024 04:14 GMT+7

Trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đã có 53 cá nhân được phong - truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Gần 10 năm qua, PV Thanh Niên đã tìm lại những cá nhân anh hùng, gia đình anh hùng liệt sĩ ở khắp các tỉnh, thành.

Ngày trồng rừng, đêm đánh cá. Đó là anh hùng Nguyễn Xuân Trường, hiện đang sống ở xã Kỳ Lạc, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Câu chuyện chiến đấu của ông, ít người biết đến.

Từ Quảng Trị ra Lai Châu

Tháng 2.1968, chàng công nhân ở xí nghiệp vôi Nghệ Tĩnh - Nguyễn Xuân Trường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau thời gian huấn luyện tại Thanh Hóa, ông được đưa vào K10 đặc công (sau là Tiểu đoàn 10 đặc công và giải thể sau ngày thống nhất), trực thuộc Quân khu Trị Thiên (nay là Quân khu 4), vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Tìm lại những anh hùng: Khi người lính trở về khoác áo nông dân

Tháng 3.1969, ông bị thương lần 1. Tháng 1.1970, ông bị thương lần 2, phải ra Bắc điều trị. Sau gần 1 năm nằm bệnh viện, đầu tháng 1.1972, ông được phân công làm phó đại đội trưởng thuộc Đoàn 127, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) chuyên làm đường sá, cầu cống, hầm hào công sự dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cuối tháng 5.1976, Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn được hợp nhất thành Quân khu 3, trung úy Nguyễn Xuân Trường làm phó đại đội thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn bộ binh 46, Quân khu 3.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 1.

Phút trầm lắng, khi anh hùng Nguyễn Xuân Trường lật giở kỷ vật

MTH

Cuối tháng 7.1978, tình hình biên giới ngày càng căng thẳng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập Sư đoàn bộ binh chiến đấu 326 thuộc Quân khu 2 (trên cơ sở một số đơn vị của Quân khu 3) phòng thủ địa bàn tỉnh Lai Châu (nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu).

"Sau 5 năm giữ chức phó, tôi được đề bạt đại đội trưởng. Việc đầu tiên là đốc thúc bộ đội đang làm đường, lên hết xe tải, hành quân mấy ngày từ Quảng Ninh lên thị trấn Điện Biên, H.Điện Biên của tỉnh Lai Châu (nay là TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)", anh hùng Nguyễn Xuân Trường nhớ lại vậy và rành rọt: "Vừa xuống xe là được cấp phát súng đạn mới. Chỉ huy trung đoàn lệnh: Cho bộ đội huấn luyện ngay, sắp đánh nhau to".

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 2.

Niềm vui bên con cháu, gia đình

MTH

Kiên vững trên trận địa

Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc đồng loạt tấn công sang các tỉnh biên giới nước ta. Ở Lai Châu, địch chia làm nhiều hướng tấn công, trong đó địch dự định đánh chiếm xã Pa Tần (H.Sìn Hồ), làm căn cứ tập trung binh lực và theo quốc lộ 12 tấn công các mục tiêu khác.

Án ngữ đường tiến quân của địch là điểm cao 551 (hiện là đồi cao su bên phải từ Pa Tần lên Huổi Luông, cạnh khu dân cư bản Hồ Thầu 2, xã Huổi Luông, H.Phong Thổ, Lai Châu), và nhiệm vụ "giữ vững 551 bằng mọi giá, không cho địch ra bờ sông Nậm Na, đến Pa Tần" được giao cho Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 193, Bộ đội địa phương tỉnh Lai Châu.

Sau 5 ngày đêm kiên cường chốt giữ, đánh trả 35 đợt tấn công, thu nhiều vũ khí, khí tài của địch, Tiểu đoàn 1 được lệnh bàn giao trận địa cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 46, Sư đoàn 326.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 3.

Anh hùng Nguyễn Xuân Trường giăng lưới bắt cá trên sông Rào Trổ

MTH

Trung tá Lê Khắc Tâm (nguyên Phó chính ủy Trung đoàn 193, hiện đang nghỉ hưu tại TX.Cửa Lò, Nghệ An) kể: Từ đêm 18.2.1979, Sư đoàn 326 hành quân bằng cơ giới lên chi viện cho mặt trận Sìn Hồ - Phong Thổ. Sáng 19.2, đơn vị đầu tiên của Sư đoàn 326 có mặt tại Pa Tần là Đại đội 5 (Trung đoàn 46), do đại đội trưởng Nguyễn Xuân Trường chỉ huy. Không kịp nghỉ ngơi, đơn vị này đã hành quân chi viện cho 551 và đầu giờ chiều ngày 19.2, Tiểu đoàn 1 và Đại đội 5 đã hiệp đồng chặt chẽ, tấn công lấy lại vị trí đồi tranh bị địch chiếm, giữ nguyên trạng cụm điểm tựa 551.

Nhớ lại câu chuyện 45 năm về trước, anh hùng Nguyễn Xuân Trường trầm ngâm: "Chỉ huy trung đoàn lệnh chúng tôi hành quân gấp, lên là đánh ngay, bởi "đại đội trưởng đã trải qua chiến đấu, thông thuộc cách đánh của đặc công". Đi gấp, không kịp mang đồ ăn thức uống, lên đến Pa Tần thì thông tin liên lạc gián đoạn, nên mọi việc đều do mình quyết định".

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 4.

Kể chuyện chiến đấu với cháu nội

MTH

"Cả đơn vị, mỗi tôi đã qua chiến đấu, nên ban đầu rất nhiều anh em sợ. Mình phải liên tục động viên, khi nổ súng thì bắn trước, vận động thì chạy trước, làm việc gì cũng trước, để anh em yên tâm", ông Trường nói vậy và cười: "Cấp trên bảo đi ngay, lên đấy sẽ có tiếp tế vũ khí đạn dược, cơm nước. Nhưng đến Pa Tần đã mất liên lạc. Đơn vị lấy lại và chốt giữ điểm cao, nhưng ai cũng đói khát. Anh em tìm đủ mọi cách để cầm cự"…

Liên tục trong 3 ngày sau đó, Đại đội 5 dưới sự chỉ huy của trung úy Nguyễn Xuân Trường đã kiên cường chốt giữ, đánh trả quân xâm lược. Bản thân ông bị thương, nhưng chỉ rời trận địa khi đơn vị bạn lên thay thế. "Cả đại đội 80 người, hy sinh 30, nhưng chúng tôi đưa được hết thi hài anh em về, không ai phải nằm lại", ông lặng người kể lại.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 5.

Chợ Pa Tần (Phong Thổ, Lai Châu), một trong những địa điểm được các lực lượng vũ trang bảo vệ, trong tháng 2.1979

MTH

Vật lộn với đời thường

Về tuyến sau, ông được máy bay trực thăng chở từ sân bay Điện Biên về điều trị ở Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Thời điểm được phong danh hiệu anh hùng, ông vẫn đang nằm trên giường bệnh. "Báo cáo thành tích là anh em trong đơn vị viết cho. Hôm nhận tin được phong anh hùng, tôi cứ tưởng họ nhầm", ông Trường cười khà.

Tháng 5.1982, thượng úy Nguyễn Xuân Trường về nghỉ theo chế độ mất sức lao động. Mặc dù tỷ lệ thương tật 61%, nhưng ông chỉ được xếp hạng bệnh binh, không được thương binh, bởi "thiếu mấy tháng nữa mới đủ 15 năm bộ đội và không cho tính mấy năm làm công nhân".

Khoác ba lô về vùng quê miền núi Kỳ Lạc (H.Kỳ Anh) xa xôi tít miền tây Nghệ An, ông "khởi nghiệp" với mấy sào ruộng và khai hoang trồng hoa màu. Ít năm sau, tỉnh thu hồi đất làm đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng. Nhà còn 2 sào đất trồng sắn trên đồi, ông dồn sức vào những vốc đất cằn khô khốc, trồng đủ loại rau củ quả.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Xuân Trường đi giăng lưới, các cháu cũng theo

MTH

Năm 2006, UBND xã Kỳ Lạc cấp cho ông 2 ha đất trồng rừng trong rú Ngàn Chô, sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, cách nhà gần 20 km đường rừng, đi bộ nửa ngày mới tới. Ông lại lụi hụi vào khai phá trồng trọt, dựng lán ở luôn trong rẫy có khi cả tuần. "Mình vào làm, nhiều bà con được phân đất trong đó cũng học vào theo", ông cười bảo vậy.

Tìm lại những anh hùng: Hành trình đưa cha về quê hương

Những đứa con nhà nông

"Năm 1982, ông ấy xin nghỉ, phần do mấy vết thương, phần cũng do con cái nheo nhóc, gia đình khó khăn quá", bà Trần Thị Sung (71 tuổi, nguyên cán bộ phụ nữ xã Kỳ Lạc, vợ anh hùng Nguyễn Xuân Trường) nhớ lại vậy.

Bà Sung kể: Năm 1974, ông Trường về nghỉ phép gặp bà và giữa năm 1976, ông bà làm lễ cưới. Năm 1980, ông bà sinh cậu con trai đầu Nguyễn Văn Hào, sau đó là 4 người con Nguyễn Văn Hùng (1980), Nguyễn Thị Hà (1985), Nguyễn Thị Hải (1988) và cậu út Nguyễn Văn Hưng (1991). Trong số này, duy nhất cô gái Nguyễn Thị Hải đang "làm trong nhà nước".

Câu chuyện của con gái người anh hùng Nguyễn Xuân Trường, cũng rất thú vị: Năm 2007, cô gái Nguyễn Thị Hải tốt nghiệp THPT và khăn gói vào Đồng Nai làm công nhân. Tháng 3.2008, Hải quyết định nộp hồ sơ đi học hệ trung học ở Trường cao đẳng sư phạm Hải Dương, đến năm 2010 tốt nghiệp.

Thời điểm này xin việc trong ngành sư phạm Hà Tĩnh rất khó. Thấy con gái vật vã gầy mòn vì xin việc, anh hùng Nguyễn Xuân Trường mạnh dạn lên TP.Hà Tĩnh, gặp ông Võ Kim Cự (khi đó là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) xin cho con gái được đi làm.

Biết ông Trường là anh hùng, ông Cự ngay lập tức chỉ đạo ngành chức năng và địa phương bố trí công việc và đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Hải đã có 13 năm công tác ở Trường tiểu học xã Kỳ Thượng, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 7.

PV Báo Thanh Niên tặng quà anh hùng Nguyễn Xuân Trường

T.L

Buổi chiều ở Kỳ Lạc, anh hùng Nguyễn Xuân Trường rủ chúng tôi ra sông Rào Trổ sau làng, thu lưới bắt cá. Ông bảo: "Duy nhất trong đời, lần xin việc cho con Hải là tôi xưng anh hùng. Những đứa khác, làm ăn khắp xa gần, cũng đều tự thân vận động, không nhờ đến bố phải đưa danh hiệu".

Những đứa con của ông, nói chuyện với tôi, đều cười: "Khó khăn gian khổ thế, mà bố mẹ nuôi dạy được 5 đứa con khỏe mạnh, là anh hùng lắm rồi!".

Ước mơ lớn nhất của anh hùng Nguyễn Xuân Trường, đang được những đứa con chuẩn bị thực hiện, là đưa ông quay lại Pa Tần - Huổi Luông thăm lại cụm điểm cao 551 để ông thắp hương, cho 30 đồng đội dưới quyền mình, đã ngã xuống trên trận địa bảo vệ Tổ quốc, năm xưa…

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 8.

Nghĩa trang liệt sĩ H.Hòa An, Cao Bằng

MTH

Chất lính của trưởng công an huyện

Anh hùng Hoàng Văn Quản (sinh 1928, dân tộc Tày, quê ở Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng). Năm 1942, khi mới 14 tuổi, ông đã tham gia Việt Minh. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng Công an Cao Bằng; đến năm 1977, thiếu tá Hoàng Văn Quản là Trưởng công an H.Hòa An.

Tháng 2.1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra khắp toàn tuyến biên giới phía Bắc, thiếu tá Hoàng Văn Quản chỉ huy lực lượng nắm tình hình an ninh tại địa phương và chủ động đề xuất với lãnh đạo huyện khẩn trương sơ tán người dân, bảo vệ tài liệu, tài sản các cơ quan vào khu vực hậu cứ Lam Sơn.

Tìm lại những anh hùng: Ngày trồng rừng, đêm đánh cá- Ảnh 9.

Di ảnh anh hùng Hoàng Văn Quản

MTH

Sáng 18.2.1979, xe tăng địch xuất hiện tại huyện lỵ, với cương vị Phó trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thống nhất huyện, thiếu tá Hoàng Xuân Quản bình tĩnh xử lý mọi công việc, bố trí cán bộ, chiến sĩ bảo vệ các lãnh đạo và vận động người dân vận chuyển 20 tấn lương thực, thực phẩm vào khu hậu cứ an toàn.

Sáng 19.2.1979, phát hiện địch tiến vào khu hậu cứ Lam Sơn, thiếu tá Quản thông báo cho người dân phòng tránh địch và nhanh chóng bố trí trận địa đánh địch tại dốc Vàm Đông, cách hậu cứ khoảng 1 km.

Sáng 20.2.1979, thiếu tá Quản dẫn 1 phân đội chi viện khu hậu cứ Lũng Vài, xã Hồng Việt và phối hợp với đơn vị bạn chặn đánh địch.

Tối 20.2.1979, thiếu tá Quản chỉ huy lực lượng chiến đấu đánh chặn địch tập kích vào hang Ngườm Bốc (Lũng Vài, xã Hồng Việt), bảo vệ hàng trăm cán bộ, nhân viên, người dân sơ tán và thương binh.

Ngày 20.12.1979, thiếu tá Hoàng Văn Quản, Trưởng công an H.Hòa An được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu, anh hùng Hoàng Văn Quản được bầu làm Phó bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Nước Hai và ông mất năm 2003. Nối nghiệp ông là con trai Hoàng Văn Tuyển (khi nghỉ hưu là thiếu tá, cán bộ Công an H.Hòa An) và cháu nội Hoàng Văn Tú, hiện là thiếu tá, Trưởng công an thị trấn Nước Hai (H.Hòa An, Cao Bằng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.