Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 9: Chấm dứt lối kinh doanh thụ động

11/07/2012 03:55 GMT+7

Chịu tác động từ khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, nhưng không thể phủ nhận, tình trạng phá sản hàng loạt trong thời gian qua một phần không nhỏ là do nội lực của hầu hết doanh nghiệp (DN) còn rất yếu.

“Chưa nói về quản trị, điều hành cũng như các yếu tố khác, chỉ nhìn vào đống hàng tồn kho hiện nay chất cao như núi, cũng đủ thấy DN yếu kém như thế nào trong khâu dự báo, đón đầu thị trường”, chuyên gia tài chính, kinh tế - TS Ngô Trí Long bắt đầu câu chuyện với PV Thanh Niên như vậy.

 Chấm dứt lối kinh doanh thụ động
Doanh nghiệp cần sự đồng hành của nhà nước để tránh phải "tự trôi" -  Ảnh: D.Đ.M

Ông Long cho rằng, DN luôn thiếu sự chủ động cần thiết trong việc lên kế hoạch kinh doanh cho mình, quá ỷ lại vào sự dẫn dắt, định hướng của nhà nước. Cho nên, khi những kế hoạch, dự báo đổ bể cùng với sức cầu sụt giảm, hàng hóa lập tức bị thừa thãi, ứ đọng.

Dựa dẫm quá mức vào vốn vay

Phụ thuộc tới 70 - 80% vốn ngân hàng (NH) nên khi hệ thống NH vừa "hắt hơi", hàng loạt DN đã bệnh nặng. Đây là mệnh đề đã được nói đi nói lại suốt thời gian qua. Nhưng có một lý do dẫn đến thực trạng này mà chúng ta ít nói đến, đó là việc mở rộng quá sức mình của nhiều DN, dẫn đến phải đi vay và dần dần bị phụ thuộc lớn vào tín dụng NH.

 

Báo cáo tài chính mới yêu cầu bắt buộc đối với DN niêm yết. Nhưng các DN khác cũng phải thấy rằng đó là vấn đề cốt lõi mà mình cần phải làm. Bên cạnh đó còn phải xây dựng báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Vì sao phải làm như vậy, vì nó cho lãnh đạo DN biết dòng tiền ra vào, khả năng trả nợ của DN, khả năng sử dụng đòn cân tài chính ở mức độ nào, từ đó mới hoạch định được kế hoạch sản xuất kinh doanh nên mở rộng hay thu hẹp...

TS Cao Sĩ Kiêm

Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có thời gian dài DN kiếm được tiền dễ dàng nên không chịu đầu tư lâu dài, mà chỉ lo trước mắt làm sao kiếm được thật nhiều tiền nên cứ đi vay. 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng liên tục cao. Một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào bơm tiền đầu tư thì khó có thể bền vững. Do đó, Chính phủ phải thay đổi chính sách đồng tiền. Bản thân DN cũng phải biết sử dụng đồng tiền. "Thay da đổi thịt" là phải chịu đau. Nghĩa là chấp nhận tăng trưởng thấp hơn, sản xuất kinh doanh cùng đời sống, công ăn việc làm khó khăn hơn nhưng khi đó tăng trưởng là thực chất.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, điểm yếu của DN dễ thấy nhất là vốn. Khi thị trường sụt giảm sẽ lộ ra ai là người đi bơi mà không mặc đồ tắm. Đó là kinh doanh mà dựa quá lớn vào vốn vay. Bên cạnh đó, DN sử dụng phần lớn công nghệ lạc hậu. Thực trạng này xuất phát từ việc DN giàu lên nhanh chóng nhờ bất động sản hoặc khoáng sản khiến họ ngại đi vào đầu tư khoa học công nghệ. Cũng có nhiều DN chịu khó đầu tư công nghệ nhưng năng lực tài chính không cho phép. Vì thế cần có chính sách khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ và triệt đầu cơ.

Phải bán cái thị trường luôn cần

Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, TS Cao Sĩ Kiêm lưu ý, bằng mọi giá DN phải đầu tư được công nghệ máy móc, nhà xưởng hiện đại, từ đó giảm chi phí nhân công, tăng chất cho sản phẩm mới mong cạnh tranh được với hàng hóa của các DN nước ngoài.

Ngoài ra, cần thấy rằng việc xây dựng một hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực sẽ giúp người điều hành DN thấy được mức độ khó khăn về nguồn vốn, việc quá phụ thuộc vào nó gây cho DN những hệ lụy như thế nào. “Báo cáo tài chính mới yêu cầu bắt buộc đối với DN niêm yết. Nhưng các DN khác cũng phải thấy rằng đó là vấn đề cốt lõi mà mình cần phải làm. Bên cạnh đó còn phải xây dựng báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Vì sao phải làm như vậy, vì nó cho lãnh đạo DN biết dòng tiền ra vào, khả năng trả nợ của DN, khả năng sử dụng đòn cân tài chính ở mức độ nào, từ đó mới hoạch định được kế hoạch sản xuất kinh doanh nên mở rộng hay thu hẹp...”, ông Kiêm nói.

TS Ngô Trí Long cũng khẳng định, các DN muốn phát triển bền vững, lâu dài phải có sự đầu tư thích đáng, đúng mức cho việc khai phá, mở rộng thị trường và tìm được nhu cầu của thị trường. Từ đó, sản xuất sản lượng đáp ứng đúng đòi hỏi của nó.

Đây cũng là quan điểm của luật sư Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) khi nhấn mạnh rằng, DN phải thay đổi, phải chủ động trong chiến lược, phải bán cái thị trường luôn cần, chứ không bán cái mình có. Muốn vậy, phải có sự liên kết chặt chẽ với các tập đoàn lớn trong chuỗi liên kết toàn cầu, phải trở thành một mắt xích trong đó, phải đầu tư nguồn lực và vốn cho việc tìm kiếm đối tác, thị trường ổn định, bền chặt... khi đó mới chống được những cú sốc của thị trường.

Anh Vũ - Trần Tâm

 >> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 2: Thay đổi mô hình tăng trưởng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 3: Gấp rút khơi thông tín dụng
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 5: Quyết liệt tạo kênh dẫn vốn dài hạn
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 6: Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 7: “Quả đấm thép” dân doanh
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.