Tìm luật cho người chuyển giới

11/05/2013 03:25 GMT+7

Cần sửa đổi luật để đảm bảo quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Người đồng tính, song tính, chuyển giới những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hôm qua 10.5.

Người đồng tính 
Hải Yến chia sẻ cuộc sống hạnh phúc với người bạn đời (ngồi bên cạnh)  - Ảnh: Hải Lý

Lời khẩn cầu của bà mẹ đau khổ

Tại VN, lâu nay vấn đề đồng tính được xem là “nhạy cảm”, thậm chí bị xếp ngang hàng với các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, các gia đình có con là đồng tính thường phải đối mặt với sức ép khủng khiếp.

 

Những vấn đề của cộng đồng nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách pháp luật VN. Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn

Ông Đinh Xuân Thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Tới dự hội thảo với tư cách là phụ huynh có con đồng tính, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, ở chung cư C2, P.Hiệp Phú, Q.9 (TP.HCM), chia sẻ: “Thật sự không dễ dàng khi chấp nhận con mình là người đồng tính. Khi con trai vừa bước chân vào đại học nói mình là người đồng tính, gia đình tôi không chỉ sốc mà còn coi nó như loài sâu bọ. Gặp bất kỳ người đồng tính nào cũng lên án, chỉ muốn mang họ đi xử bắn. Chúng tôi tìm mọi cách chữa trị, đưa con đi thử máu xem hormone thiếu cái gì. Thậm chí, nghĩ con mình bị vong nữ nhập vào nên đã đưa con đi chữa trị bằng cách để người ta trói chân tay, đánh đập. Cho đến khi nhìn thấy con bị hành hạ nó vẫn nói mình là gay, chúng tôi mới giật mình, nếu cứ tiếp tục sẽ giết chết con”.

Theo lời bà Thủy, vì sự kỳ thị kéo dài hơn 10 năm trong gia đình đã đẩy con bà 2 lần vào bệnh viện tâm thần và 1 lần tự tử. “Giờ hối hận muộn màng, tôi chỉ mong sao con mình sống vui vẻ cuộc đời và tiếp tục làm việc”, bà Thủy bộc bạch và nói thêm: "Tôi cầu khẩn nhà nước mình bảo hộ quyền lợi của người mẹ. Dù sinh con trai, con gái, đồng tính nam hay đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, khuyết tật… Và điều mong mỏi lớn nhất là trong Hiến pháp cần có sự bảo vệ quyền con người cho những con người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, những người khuyết tật, HIV. Có như vậy, người phụ nữ chúng tôi mới yên tâm mang thai không phải lo lắng cho đứa con chào đời thuộc về giới tính nào. Phụ nữ chúng tôi mới có đủ tâm trí, nghị lực nuôi dạy con cái tốt hơn và cống hiến toàn tâm toàn ý cho xã hội".

Cùng đến từ TP.HCM, Nguyễn Hải Yến và người bạn đời tên Hương may mắn hơn khi họ có một cuộc sống hạnh phúc cùng đứa con hơn 4 tuổi và được sự chấp nhận của những người xung quanh. Tuy nhiên, đôi bạn trẻ cũng lo lắng khi một mai con lớn lên, có thể bị tổn thương vì bạn bè trêu chọc. “Em muốn cuộc sống được đảm bảo, tương lai của con em cũng được như cuộc sống của những gia đình khác. Liệu khi con cái lớn lên xã hội có cởi mở hơn không?”, Hải Yến bày tỏ.

Nghiên cứu thành luật riêng

Theo ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nếu lấy tỷ lệ trung bình, “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15-59 ở VN tạm tính vào khoảng 1,56 triệu người. Đa phần trong số họ đang phải chịu sự kỳ thị, định kiến, kể cả bạo lực. Chính những thái độ này khiến những người người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ít cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống cho bản thân cũng như đóng góp cho xã hội.

TS Đinh Xuân Thảo nhìn nhận, những bất cập trong chính sách pháp luật khiến cho LGBT rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không được bảo vệ quyền nhân thân con người. Pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục cá nhân. “Tuy nhiên thực tế, những vấn đề của cộng đồng nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách pháp luật VN. Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn”, ông Thảo nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) Lê Quang Bình, cho rằng: “Thừa nhận hôn nhân đồng giới cũng là thể hiện tính nhân văn của dân tộc, cho phép tất cả mọi người đều có một mái ấm của mình”. GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc trước quyền lợi của người LGBT. Bên cạnh đó, cần xem lại những luật khác như: luật Hôn nhân gia đình đang sửa đổi; luật Dân sự, luật Lao động, luật Bình đẳng giới…

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, đây là vấn đề hết sức khoa học. Khi quyết một vấn đề gì đó ngoài nhận thức ra, phải có cơ sở khoa học. “Cần mở rộng tuyên truyền để cộng đồng xã hội hiểu một cách đúng đắn, giảm sự kỳ thị và nhận thức không đứng đắn. Tiếp tục có văn bản dưới luật để quy định một số vấn đề cơ bản mà chúng ta cảm thấy chín muồi. Nếu cứ cầu toàn đợi ra luật ngay rất khó. Tôi nghĩ rằng có văn bản dưới luật đã là thành công rồi. Sau đó, tiến tới nghiên cứu thành luật riêng”.

Người đồng tính làm việc ở khắp nơi

Theo nghiên cứu của iSEE, người đồng tính đang làm việc ở tất cả loại hình các cơ quan, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 24%, các cơ quan hành chính sự nghiệp 13%, các doanh nghiệp - cơ quan tổ chức có yếu tố nước ngoài là 14,3%. Về ngành nghề, người đồng tính làm trong dịch vụ khách hàng nhiều nhất, chiếm 18%; tiếp đến văn hóa nghệ thuật 13,5%; nghiên cứu khoa học kỹ thuật 11,4%; dịch vụ công 10%; quản lý hành chính 8%; sản xuất công nghiệp 6% và thể thao là 1,1%.

Thu Hằng

>> Cần bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới
>> Xem xét quyền hôn nhân đồng giới
>> Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng giới
>> Rắc rối luật quan hệ đồng giới
>> Hôn nhân đồng giới, cấm hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.