CHƯA ĐỒNG NHẤT MÔ HÌNH
Thành ủy Đà Nẵng và Tạp chí Cộng sản đang tổng hợp các ý kiến góp ý về xây dựng mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) sau hội thảo khoa học "Mô hình CQĐT ở VN hiện nay - Thực tiễn TP.Đà Nẵng" diễn ra mới đây.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, hiện nay cả nước có 3 TP gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang thực hiện mô hình CQĐT, nhưng mỗi địa phương đang thực hiện mỗi kiểu khác nhau, có nơi thí điểm, có nơi thực hiện. "Tiếng nói khác nhau là do đặc thù mỗi địa phương cũng khác nhau, nên chưa hẳn đồng nhất một mô hình. Do đó, tới đây, T.Ư có ý kiến nghiên cứu, sắp xếp, rà soát sau khi thí điểm CQĐT để thống nhất một mô hình chung trên cả nước chứ không phải mỗi nơi mỗi kiểu", ông Triết cho biết.
TS Lê Thị Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định thời gian tới cần tập trung xây dựng CQĐT theo mô hình: chính quyền cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư là chính quyền hoàn chỉnh theo quy định của Hiến pháp và luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền TP trực thuộc T.Ư có HĐND và UBND; chính quyền cấp quận là chính quyền trung gian, không tổ chức HĐND, chỉ có UBND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chấp hành trung gian, chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định, chỉ đạo trực tiếp của UBND TP. Cần tổ chức lại bộ máy của UBND quận theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; sắp xếp, tinh giản đầu mối các ban tham mưu của UBND quận; tăng tính tự quản lý, chịu trách nhiệm những vấn đề thuộc địa bàn phường; tập trung quản lý đội ngũ công chức chính quyền phường theo phân cấp, bảo đảm thực sự tinh thông, chuyên nghiệp, liêm khiết…
TS Lê Thị Hà cũng cho rằng cần khẩn trương ban hành quy định về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của quận ủy và đảng ủy phường khi thực hiện mô hình CQĐT, bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu…
Đồng quan điểm, TS Trần Minh Đức, Phó viện trưởng Viện Khoa học - xã hội vùng Trung bộ, nhận định các TP đang được triển khai mô hình CQĐT với nhiều thuận lợi, khó khăn khác nhau. "Khi thí điểm xong, nên khái quát để xây dựng một mô hình chung về CQĐT cho cả nước", ông Đức đề xuất.
TS Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng Trường Chính trị TP.Đà Nẵng, đánh giá mô hình CQĐT là mô hình quản trị còn tương đối mới đối với nước ta, tuy vậy đây là xu hướng tất yếu và trong tương lai các địa phương sẽ tiếp cận, nghiên cứu và thiết kế mô hình chính quyền. Do đó, cần thiết đẩy mạnh nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng tầm nhìn cho mô hình này để mô hình chính quyền của cả 3 địa phương thí điểm sẽ là bài học kinh nghiệm cho những đô thị khác trong cả nước.
Cần tăng đại biểu HĐND cấp TP
Theo TS Nguyễn Đình Thuận, về vấn đề phân cấp ngân sách, khi 3 TP thực hiện và thí điểm CQĐT, chính quyền TP là một cấp ngân sách độc lập; các quận, phường trở thành các đơn vị dự toán ngân sách chứ không còn đóng vai trò cấp ngân sách. Dự toán ngân sách hằng năm của các quận, phường sẽ do HĐND TP quyết định... Hạn chế này đã làm cản trở tính chủ động và khả năng phản ứng linh hoạt của chính quyền quận, phường khi phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách TP nếu khoản chi nằm ngoài dự toán.
"Kiến nghị T.Ư nghiên cứu cần trao cho UBND các quận, phường quyền quản lý, khai thác và sử dụng nguồn kết dư, nguồn dự phòng như cấp ngân sách hoặc thậm chí là quy chế hoạt động như một cấp ngân sách. Ở cả 3 TP, khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách của các quận, phường thuộc về HĐND TP. Điều này làm giảm tính năng động, chủ động của địa phương đối với các yêu cầu cần phải có nguồn tiền đảm bảo cho việc giải ngân nhanh chóng, xử lý kịp thời. Do đó, cần thiết trao cho chính quyền các quận, phường có quyền quản lý, khai thác và sử dụng nguồn kết dư, nguồn dự phòng của địa phương như cấp ngân sách thay vì phải nộp toàn bộ các khoản nói trên cho HĐND TP", ông Thuận nói.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, phân tích để thể hiện tính tập quyền trong mô hình CQĐT, TP.Đà Nẵng đã làm 3 việc: không tổ chức HĐND cấp quận, phường; đưa cấp quận, phường từ cấp ngân sách trở thành cấp dự toán; hợp nhất, sáp nhập những địa phương không đủ tiêu chí về dân số và diện tích để thu gọn bớt đầu mối, thi hành quyền lực công gọn hơn. Từ 3 việc này, hiện đang có một số bất cập là biên chế một số cơ quan lẽ ra phải tăng lên thay vì giảm xuống.
"Ví dụ, HĐND TP là 51 đại biểu, lẽ ra khi thực hiện mô hình CQĐT phải tăng lên, đặc biệt phải tăng đại biểu chuyên trách để làm đôi mắt, cánh tay của HĐND TP xuống tất cả cơ sở để thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Đối với các sở ngành, số lượng công chức vẫn không tăng lên mà lại phấn đấu càng ngày càng giảm, theo tôi là đi ngược lại với mô hình CQĐT. Nên thay đổi tư duy về tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. Tinh giản không phải là cắt, là giảm mà là ai vào đúng vị trí việc làm đó, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ", ông Tiếng nhấn mạnh.
Tương tự, ông Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng, kiến nghị tăng thêm đại biểu HĐND TP để khép kín địa bàn, khép kín đối tượng giám sát chứ hiện nay số đại biểu không đủ. Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cho biết dù được phân công làm tổ trưởng tổ đại biểu HĐND Q.Sơn Trà và huyện đảo Hoàng Sa nhưng ông nhận thấy chưa dành nhiều thời gian cho vai trò đại biểu HĐND TP (30% thời gian công tác).
"Tổ đại biểu HĐND làm thêm một số nhiệm vụ HĐND quận trước đây với rất nhiều phần việc nên không thể đảm đương được. Trong khi nhiệm vụ ngày càng phát sinh càng nhiều, vai trò giám sát rất nặng và rất nhiều. Tôi kiến nghị cần tăng số đại biểu HĐND TP lên mới đảm nhận được công việc", ông Hùng Anh nói.
PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, nhận định hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Hà Nội, Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm mô hình CQĐT, còn TP.HCM đã triển khai chính thức mô hình này. Do vậy, những nội dung từ hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề lý luận của thực tiễn các đô thị. Qua đó, có thể tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện mô hình CQĐT, tiến tới thực hiện mô hình CQĐT thực sự hiệu quả trong thời gian tới.
Bình luận (0)