“Xuất sắc” chưa có cơ hội phát triển
Trong hệ thống các trường ĐH công lập, hầu như không có việc lựa chọn mô hình phát triển riêng. Tất thảy đều hoạt động theo sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Một số trường chỉ thay đổi vài chương trình, ngành học để đáp ứng xu thế của xã hội. Nhiều trường ĐH trong số này như: Bách khoa, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Bách khoa Hà Nội… đang định hướng trở thành ĐH nghiên cứu để đón đầu quyết định phân tầng ĐH của Bộ.
|
|
Trong hệ thống này, mô hình “ĐH xuất sắc” được Bộ ưu tiên phát triển nhưng vẫn chưa có được những thành công nhất định. Mô hình này triển khai cho Trường ĐH Việt - Đức. Theo thông báo từ khi thành lập vào năm 2009, trường phấn đấu đến năm 2010 lọt vào tốp 200 thế giới và dự kiến đến năm 2020 có 5.000 sinh viên. Tuy vậy, đến nay trường mới chỉ có khoảng 500 sinh viên và chưa tạo được chỗ đứng nhất định. Cùng mô hình này, Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội cũng chưa gây được ấn tượng đặc biệt về sự khác biệt và xuất sắc.
Đại chúng hay sáng tạo ?
Ở các trường ngoài công lập, mỗi trường đều tìm hướng đi riêng nhưng đa số các mô hình còn rất mơ hồ, chưa hiệu quả.
Mới đây, một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM tuyên bố phát triển theo mô hình mới - ĐH sáng tạo. Mô hình này bắt nguồn từ Phần Lan vào năm 2005 với mục đích chính là nâng cao sự sáng tạo trong trường học. Với sự ủy thác để tự đổi mới nền giáo dục quốc gia, một nhóm nghiên cứu gồm các hiệu trưởng, giáo sư đầu ngành và lãnh đạo các công ty Phần Lan đã liên kết với những trường ĐH hàng đầu thế giới như Stanford, MIT và Cambridge để xây dựng hình mẫu cho ĐH sáng tạo. Các thành phần chủ yếu của ĐH sáng tạo, gồm: tin học hóa hệ thống học thuật - nghiên cứu - thông tin quản lý - dịch vụ - thương mại theo hướng sáng tạo... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển mô hình này chỉ tại một trường có thể bị hạn chế vì không thể chia sẻ được nhiều nguồn lực, nhất là từ các trường tinh hoa trên thế giới. Theo GS-TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đây là một xu thế quốc tế rất đáng được quan tâm, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực của một trường ĐH tương lai. Nhưng việc triển khai trong thực tiễn cần có những nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để có thể đưa ra những khuyến cáo phù hợp về mức độ cũng như nội dung áp dụng từng quốc gia cụ thể, trong đó có Việt Nam.
Đa số các trường ĐH ngoài công lập khác đang phát triển theo mô hình ĐH hướng đại chúng. Các trường chỉ mở ngành, đào tạo theo nhu cầu học tập của người học.
Phi lợi nhuận chưa có điều kiện phát triển
Nhiều trường ĐH ngoài công lập muốn đi theo mô hình phi lợi nhuận. Tuy nhiên, quy chế cũng như mô hình hoạt động của các trường này chưa rõ ràng cũng như chưa tạo được dấu ấn gì rõ rệt.
Năm 2011, Trường ĐH Tân Tạo chính thức thành lập và tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận. Trường giới thiệu môi trường học tập theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, kết thúc mùa tuyển sinh năm nay, trường chỉ tuyển được… 29 sinh viên. Dự án Trường ĐH Trí Việt ban đầu dự kiến sẽ hoạt động phi lợi nhuận nhưng vào đầu năm 2012 lại ngưng hoạt động vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tình hình kinh tế tài chính không thuận lợi. Theo hướng phát triển đã vạch ra trước đó, khi thành lập Trường ĐH Trí Việt theo mô hình “ĐH xanh”: khuôn viên xanh, giảm tác động tối đa đến môi trường, quản trị bền vững, quản lý hiệu quả, xây dựng nhận thức cho sinh viên và giảng viên về những hành vi thân thiện với môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa giáo dục và lối sống…
Đăng Nguyên
Bình luận (0)