Tìm ngọc trong đá

07/05/2016 09:00 GMT+7

Nghề chơi nào cũng lắm công phu - câu nói này không hề sáo rỗng khi nhắc đến thú chơi đá cảnh

Anh Ninh Hữu Hiệp - từng giành được giải thưởng Pietre disegnate 1° premio của A.I.A.S XVIII Congresso e Mostra Suiseki, trải lòng về niềm đam mê ấy: “Nếu đá trang sức tô đẹp dáng vẻ bên ngoài thì đá cảnh lại soi sáng tâm hồn chúng ta”.
Mang thiên nhiên vào nhà
Bước vào nhà anh Ninh Hữu Hiệp, ở TP.HCM người ta dễ dàng bị mê hoặc bởi những viên đá như ruby, thạch anh, aquamarine… “Tôi cũng từng mê đá quý, nhưng nếu bước vào một căn phòng có đá quý và đá cảnh Suiseki thì tôi sẽ nhìn đá cảnh trước. Người đam mê chơi đá cảnh không nhiều vì màu sắc đá thật ra chẳng tươi tắn gì. Muốn chơi đá cảnh phải có thời gian dài nghiên cứu thì mới “thẩm thấu”. Bản tính của người chơi đá thường trầm lắng”, anh Hiệp tâm sự. Được biết, gia tài đá cảnh của anh Hiệp hầu hết được sưu tầm từ các vùng như Lâm Đồng, Khánh Vĩnh, Quảng Nam...
Tìm ngọc trong đá 1
Theo anh, thông thường đá màu đen được ưa chuộng hơn vì màu sắc của nó không làm cho người thưởng ngoạ,n bị xao lãng mà còn mang tính thiền vị. Trong khi đó, viên đá màu sắc diêm dúa sẽ làm cho người thưởng ngoạn mất tập trung. Người Nhật thích những viên đá mang sắc màu trầm lắng còn người Trung Quốc chơi đá có nhiều màu sắc.
Hiện tại không thể đếm xuể được hết những viên đá cảnh đang có mặt tại nhà của anh Ninh Hữu Hiệp. Kể về hành trình bén duyên với thú chơi đá cảnh, anh cho biết: “Năm 2000, tôi mê các tinh thể khoáng chất - là những khoáng vật hình thành nên đá. Đến năm 2007, tôi chính thức bước chân vào con đường chơi đá tự nhiên. Bước ngoặt đầu tiên khiến tôi mê đá là khi tôi đi nước ngoài để mua tinh khoáng như sapphire, ruby vì mê màu sắc của nó, hình dáng lạ. Nhiều người vẫn thường hỏi tại sao đang mê những thứ lấp lánh mà tôi lại chuyển qua chơi đá cảnh có màu sắc u buồn”.
Tìm ngọc trong đá 2
Người Trung Quốc là những người đầu tiên biết thưởng ngoạn đá cảnh, sau đó mới đến người Nhật. Người Trung Quốc thường mài giũa đá để “tìm ngọc trong đá”, trong khi đó người Nhật lại giữ nguyên hình dáng tự nhiên của viên đá. “Viên đá nhặt lên như thế nào thì giữ lại như thế đó để chơi, còn gọi là “đá cảnh nguyên bản”. Đó chính là điểm quý nhất của môn này! Bởi điều này làm nên sự riêng biệt của từng viên đá, còn gọi là Nhất bản thạch. Nói chơi đá thì khó hình dung. Có lẽ chơi đá giống như một hình thức thưởng thức nghệ thuật. Người Nhật yêu thiên nhiên nên họ tìm mọi cách mang thiên nhiên vào nhà. Ví dụ bonsai là cây thu nhỏ trong chậu. Vì thích ngắm nhìn cảnh núi non nên họ tìm kiếm những viên đá hình núi để trưng bày trong nhà và thưởng ngoạn”, anh chia sẻ.
 Tìm ngọc trong đá 3
“Hóa vàng thành đá”
Nếu không có một chút kiến thức nào về đá cảnh, nhìn gia tài của anh Hữu Hiệp chắc nhiều người không thể định hết được giá trị. “Với những viên đá được mài tròn như kiểu chơi của người Trung Quốc có thể tạo hàng loạt viên giống nhau đến 80 - 90%. Nhưng những viên đá được dòng nước bào mòn không bao giờ giống nhau. Giá của một viên đá ruby có thể xác định được tùy theo sắc độ, kích thước nhưng đá cảnh kiểu này không thể. Tất cả là do người mua và người bán quyết định”, anh chia sẻ.
Cứ hai đến ba tuần, hoặc khi biết được nơi nào có mỏ đá mới là anh Ninh Hữu Hiệp lại xách ba lô lên đường đi lùng đá. “Tôi từng chứng kiến nhiều người mê đá cảnh Suiseki đến mức bán vàng để dồn tiền mua đá. Hóa vàng thành đá là như vậy đó. Tôi cũng không ngoại lệ. Hồi mới bước vào chơi, vì quá mê hòn đá dáng núi mà tôi đã bán một cây vàng để mua nó về ngắm”.
Tìm ngọc trong đá 4
Chủ đề và hình ảnh của viên đá phụ thuộc vào tiềm thức của người tìm đá. “Ví dụ có người ấn tượng với cảnh núi Fansipan, khi ra ngoài dòng suối, thấy viên đá có hình dáng giống na ná như vậy thì tự bản thân sẽ cảm thấy có sự kích thích nhặt lên và đặt tên nó là núi Fansipan. Những cảnh trí trong thiên nhiên như được vẽ lại trên đá - đây chính là điều thú vị nhất của môn này. Đá bền vững mà một cảnh vật ngoài thiên nhiên được khắc họa trên đó lại có thể mang vào nhà thì còn gì bằng”, anh Hiệp cho biết. Chia sẻ thêm về chuyện một hòn đá cảnh nhưng có người nhìn ra cảnh vật này nhưng có người lại nhìn ra cảnh vật khác, anh Hiệp nói: “Đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng chuyện này chỉ dừng lại ở trong mức độ như nhìn con chó thành con sư tử chứ nhìn con sư tử thành con người thì không thể”.
Tìm ngọc trong đá 5
Tìm ngọc trong đá 6
”Đá, tưởng chừng như vô tri, vô ngôn nhưng kỳ thật lại không như thế. Bà mẹ thiên nhiên đã tạo ra một kho báu tuyệt vời mà chúng ta cần biết trân trọng, biết thưởng thức để chất lượng cuộc sống ngày một thú vị và ý nghĩa hơn”, anh cho biết.
Một đá cảnh Suiseki được cho là đẹp khi nó có nét đẹp hoàn toàn tự nhiên, được gợi hình bằng chính hình dạng tự nhiên của nó. Ngoài chân đế, người ta hoàn toàn không tác động gì vào viên đá. Suiseki thường được trưng bày theo kiểu Tokonoma, một kiểu trưng bày theo nghi thức trang trọng truyền thống của Nhật. Trưng bày cùng với tranh cuộn Nhật Bản, cây bonsai, hoa, cỏ, đồ gốm, bát nhang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.