Tìm người tài

03/12/2016 07:31 GMT+7

Hà Nội vừa công bố kế hoạch với kỳ vọng tuyển dụng 143 thủ khoa không qua thi tuyển để bổ sung đội ngũ công chức làm việc tại các sở, ngành, UBND các quận, huyện trong năm 2016. Điều này rất phù hợp với chủ trương về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Thế nhưng, tại sao gọi kế hoạch tuyển dụng này là kỳ vọng? Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên mà 2016 là năm thứ 14 liên tiếp Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Đã có 1.533 thủ khoa được vinh danh. Nhưng cũng trong 14 năm qua cũng chỉ có khoảng hơn 140 thủ khoa vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Hà Nội. Đó là chưa kể, bên cạnh thực trạng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp thì thực tế lo ngại khác là những người thực tài, có năng lực, trình độ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng liên tục “nhảy việc”, và Hà Nội không ngoại lệ.
Công bằng mà nói, luật Thủ đô (năm 2015) đã tạo cho Hà Nội khá nhiều cơ hội để ban hành những chính sách khác biệt, thu hút người tài làm việc trong bộ máy nhà nước. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao vẫn tồn tại thực tế, người thực tài “ngại” vào làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc chỉ làm việc ở mức cầm chừng? Có 3 câu trả lời, và điều này đúng với không chỉ Hà Nội. Thứ nhất, dù cơ chế đặc biệt thì cũng rất ít cơ quan nhà nước dám “xé rào” để những người có trình độ, chuyên môn cao được xếp vượt bậc lương như những cán bộ vào làm việc trước đó. Việc tính lương không được quyết định bởi hiệu quả công việc mà chủ yếu tính bằng thâm niên công tác. Thứ hai, do cơ chế cứng, nên cơ hội thăng tiến của những người có năng lực thường bị kìm hãm bởi những “hòn đá tảng” làm việc lâu năm. Môi trường làm việc không tạo động lực cạnh tranh là câu trả lời thứ ba. Thước đo hiệu quả công việc mờ nhạt. Người làm việc bình thường và người làm việc tích cực không có sự khác biệt trong thu nhập cũng như các quyền lợi; cộng với rất nhiều những bất cập khác trong sử dụng cán bộ khiến cho những người cầu tiến không chịu được, đành rời bỏ cơ quan nhà nước để tìm cơ hội mới, công bằng hơn.
Tìm người tài không khó, nhưng sử dụng người tài thì điều cần nhất là môi trường làm việc minh bạch, là sự đánh giá và sử dụng con người trên nguyên tắc công bằng, tuyệt đối không có phân biệt, đặc quyền đặc lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.