Tìm ra cách giúp tế bào dạ dày tiết insulin để trị tiểu đường

Ngọc Quý
Ngọc Quý
09/06/2023 13:46 GMT+7

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra cách thay đổi tế bào dạ dày để chúng có thể tiết ra insulin y hệt như tế bào beta trong tuyến tụy. Phát hiện mới này mở ra triển vọng có thể điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại trường Weill Cornell Medicine thuộc Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện. Nghiên cứu được tiến hành trên chuột với mục tiêu là tìm ra phương pháp có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường ở người, theo nhật báo Tribune India (Ấn Độ).

Tìm ra cách giúp tế bào dạ dày tiết ra insulin để trị tiểu đường - Ảnh 1.

Tế bào gốc trong dạ dày có thể chuyển đổi thành tế bào có khả năng tiết insulin, mở ra hy vọng mới điều trị tiểu đường

SHUTTERSTOCK

Người dẫn đầu nghiên cứu là tiến sĩ Joe Zhou. Trước đó, trong một nghiên cứu khác trên chuột vào năm 2016, ông Joe Zhou và các cộng sự đã phát hiện một số tế bào gốc trong dạ dày dường như nhạy cảm với đường glucose và có thể chuyển đổi thành tế bào có thể tiết ra insulin. Insulin là loại hoóc môn mà tế bào beta trong tuyến tụy tiết ra để vận chuyển đường glucose trong máu vào nuôi tế bào khắp cơ thể.

Ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể thiếu hụt insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả dẫn đến tăng đường huyết. Qua thời gian, tình trạng này gây ra bệnh tiểu đường và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

"Dạ dày tạo ra các tế bào có khả năng tiết ra hoóc môn của riêng nó. Trong giai đoạn phát triển phôi thai, các tế bào tuyến tụy và tế bào dạ dày nằm liền kề nhau. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tế bào gốc trong dạ dày có thể dễ dàng chuyển đổi thành loại tế bào có khả năng tiết insulin như tế bào beta", tiến sĩ Zhou giải thích.

Trong nghiên cứu công bố mới đây, ông và các cộng sự đã lấy tế bào gốc thu được từ mô dạ dày của con người, sau đó dùng công nghệ tái lập trình tế bào để chuyển đổi những tế bào gốc này thành loại tế bào gần giống như tế bào beta trong tuyến tụy. Tế bào beta chính là tế bào tiết ra insulin cho cơ thể.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu phát triển các tế bào đã chuyển đổi thành từng cụm nhỏ và cấy vào cơ thể chuột bị bệnh tiểu đường. Thời gian sau, họ phát hiện các cụm tế bào có phản ứng nhạy cảm với đường glucose và tiết ra insulin. Nhờ đó, các dấu hiệu bệnh tiểu đường của chuột đã cải thiện. Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Nature Cell Biology.

"Đây là nghiên cứu mang lại những hiểu biết mới để chúng tôi tạo nền tảng vững chắc phát triển một phương pháp điều trị mới để điều trị tiểu đường loại 1 và loại 2, dựa trên chính tế bào trong cơ thể bệnh nhân", tiến sĩ Zhou cho biết.

Ông và nhóm nghiên cứu của mình sẽ thực hiện thêm nhiều thí nghiệm nữa để hoàn thiện phương pháp này, sau đó sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người. Họ kỳ vọng nếu cách điều trị này thành công, bệnh nhân bị tiểu đường sẽ không phải tiêm thuốc insulin thường xuyên nữa, theo Tribune India.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.