Tìm ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt 3-4 tạ/ngày ở hồ Phước Hà

Kết quả quan trắc môi trường tại hồ Phước Hà do Sở Tài nguyên-Môi trường thực hiện đã xác định nguyên nhân chính khiến cá chết liên tục 3-4 tạ/ngày, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân.

Chiều nay 20.9, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết đã báo cáo kết quả quan trắc môi trường hồ Phước Hà (xã Bình Phú, H.Thăng Bình) cho UBND tỉnh. Sự cố xảy ra từ đầu tháng 7 và cao điểm vào giữa đầu tháng 8, khiến mỗi ngày các hộ nuôi cá phải đau lòng chứng kiến cảnh 3-4 tạ cá chết dạt vào bờ mà không rõ nguyên nhân. Thiệt hại ước tính cả nửa tỉ đồng.
Trước diễn biến bất thường này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc. Trong đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức quan trắc môi trường tổng thể hôm 15.8, đến nay đã có kết quả và đưa ra nhận định: nguyên nhân cá chết “có thể do lượng oxy hòa tan trong hồ bị suy giảm vào ban đêm”.
Kết quả quan trắc này cũng có phần trùng hợp với những dự đoán ban đầu khi “thủ phạm” được chú ý nhiều nhất chính là thời tiết nắng nóng.
Phân tích chi tiết của Sở Tài nguyên – Môi trường cho thấy, vào mùa nắng, mực nước hồ xuống thấp (do tưới tiêu, bốc hơi), trong khi lượng động thực vật trong hồ vẫn duy trì với mật độ lớn làm suy giảm lượng oxy hòa tan trong hồ.
Theo quy luật tự nhiên, lượng oxy hòa tan đạt mức cao nhất vào giữa ngày và thấp nhất vào cuối đêm nên vào ban đêm, lượng oxy hòa tan trong hồ sẽ ở mức rất thấp. Tại thời điểm quan trắc vào lúc 15 giờ ngày 15.8, mức oxy hòa tan chỉ còn lại 4,2 - 4,8 mg/l, thấp hơn nhiều so với quy định là 6,0 mg/l.
“Điều này phù hợp với thông tin cá trong hồ Phước Hà chết chủ yếu vào ban đêm và tấp vào bờ vào ban ngày”, thông báo kết quả do bà Lê Thị Tuyết Hạnh ký ban hành đưa ra nhận định.
Người nuôi thả cá tự nhiên trên hồ Phước Hà chịu thiệt hại nặng THÀNH ĐẠI
Sở Tài nguyên và Môi trường đã quan trắc tại 2 điểm về môi trường nước (giữa lòng hồ và ven bờ hồ), đồng thời phân tích 32 chỉ tiêu môi trường gồm 2 chỉ tiêu quan trắc hiện trường và 30 chỉ tiêu phân tích trong phòng thí nghiệm.
Về môi trường trầm tích, có 7 chỉ tiêu kim loại nặng được đưa ra phân tích sau khi tiến hành quan trắc tại 1 điểm giữa lòng hồ, và cả 7 chỉ tiêu này đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam không đưa ra khuyến cáo liên quan để các hộ nuôi cá khắc phục sự cố.
Đồng thời, dù không ghi nhận nguyên nhân cá chết do độc tố hay chất ô nhiễm trong nước hồ (xuất phát từ kết quả phân tích mẫu trầm tích), nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường cũng “không loại trừ nguyên nhân do dịch bệnh” và đề xuất nên cần có những phân tích chuyên ngành về thủy sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.