Tìm 'thần chết' thời... 4.0: 'Con người vẫn là... số 1'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
01/07/2020 07:11 GMT+7

Đó là khẳng định của rất nhiều chuyên gia bom mìn đến từ các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý vật liệu nổ sau chiến tranh tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Qua rồi cái thời người ta “cố tình” tuyển những người chuyên đi rà phế liệu sau chiến tranh để rà phá bom mìn. Ngày nay, nhân viên của các tổ chức rà phá bom mìn trước khi được đào tạo chuyên môn sâu thì đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học...

Cận cảnh robot bọ cạp giúp con người tìm… thần chết

“Kỳ nhân” Bùi Trọng Hồng

Cũng như trong những lớp học luôn có học sinh xuất sắc hơn tất cả, ở những đội xử lý hiện trường cũng có những “yếu nhân” mà kỹ năng và kinh nghiệm của họ đạt đến tầm không những được đồng nghiệp trong nước mà những chuyên gia nước ngoài cũng công nhận. Ông Bùi Trọng Hồng, cán bộ của Renew/NPA (tổ chức rà phá bom mìn do Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tài trợ, hoạt động tại Quảng Trị) là một người như vậy.

Nói không sợ thì không đúng, nhưng khi ở đây, bất kể ở văn phòng Renew hay ra hiện trường, tôi như cảm nhận được bố vẫn ở đâu đó quanh tôi. Dõi theo tôi, bảo bọc tôi, dẫn đường chỉ lối cho tôi... Và tôi chẳng có gì phải sợ cả

Anh Ngô Thiện Hoàng

Ông Hồng quê Nghệ An và từng có nhiều năm công tác trong quân đội, cụ thể là ở Ban Công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị). Từ sau chiến tranh, ông Hồng cùng đồng đội đến hàng ngàn hiện trường để rà phá, cất bốc bom mìn. Ông đã chứng kiến đủ loại vật liệu nổ, nghe đủ những câu chuyện đau thương do tai họa của những vũ khí hủy diệt này gây ra với con người... Và ông hiểu ý nghĩa của công việc mà trọn đời ông đã theo đuổi.

Vượt qua sợ hãi, quyết đi tìm… “thần chết”

Trân trọng những kỹ năng, hiểu biết cũng như kinh nghiệm của người lính này, ngay sau khi ông Hồng nghỉ hưu, dự án Renew/NPA lập tức mời ông về làm cán bộ kỹ thuật cấp quốc gia. Ông Hồng cũng được đi học và được cấp nhiều chứng chỉ xử lý bom mìn theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế do NPA cấp. “Nếu nói về ra thực địa, kinh nghiệm nhận định chủng loại bom, mìn và cách xử lý cất bốc sao cho an toàn, khó ai đủ “trình” để “cãi” với ông Hồng. Ông ấy chỉ cần nhìn 1 góc quả bom nhú lên từ dưới đất thì đã “đọc” được đó là loại gì và cách xử trí như thế nào. Không loại máy móc tiên tiến nào có thể có kỹ năng nhận định kiểu như ông Hồng”, anh Đinh Ngọc Vũ, Phó giám đốc Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, nhận xét.

Bữa cơm chóng vánh giữa hiện trường rà phá của những nhân viên dự án Renew/NPA

Ảnh: Nguyễn Phúc

Đã có hàng chục ngàn vật liệu nổ “quy phục” dưới bàn tay, khối óc của ông Hồng cùng đồng đội ông. Nhưng cũng vì tài năng tìm “thần chết” nên vị cán bộ kỹ thuật này được “trưng dụng” khá nhiều. Mới đây, ông Hồng đã được điều vào làm cố vấn kỹ thuật hiện trường của NPA Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế. “Có ở đâu thì cũng là quê hương Việt Nam và ở đâu thì việc của tôi là cùng với đồng đội làm “sạch” những mảnh đất bị ô nhiễm bom mìn”, ông Hồng nói.

Bóng hồng trên bãi mìn

Công việc rà phá bom mìn vừa nặng nhọc vừa nguy hiểm tưởng như không phù hợp với phụ nữ, nhưng kỳ lạ thay, hầu hết các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này tại Quảng Trị đều tồn tại một số không nhỏ... bóng hồng. Thậm chí, có nơi còn tổ chức được cả đội, cả tổ toàn là phụ nữ. Chưa hết, ở Renew/NPA, người đứng đầu, quản lý về hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn cho tổ chức này lại là nữ, chỉ mới 36 tuổi, tên Nguyễn Thị Diệu Linh.
“Phụ nữ rõ ràng thua thiệt đàn ông về sức lực nhưng đổi lại họ có thừa sự tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận...; những đức tính rất cần trong hoạt động rà phá bom mìn, vốn có nhiều trường hợp không có cơ hội để... rút kinh nghiệm”, anh Vũ nhận định.
Tìm “thần chết” thời... 4.0: “Con người  vẫn là... số 1”

Giấc ngủ trưa dưới gốc cây của 2 nữ nhân viên Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Thị Phương Nguyên của dự án Renew/NPA

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cũng theo anh Vũ, sự xuất hiện của giới nữ trên bãi mìn là minh chứng mạnh mẽ cho... bình đẳng giới. Và hiện nay, xu hướng phổ biến là để nữ giới tham gia vào những công việc khảo sát, phi kỹ thuật. “Một người phụ nữ đi lân la hỏi chuyện và ghi chép lại thì dễ dàng hơn một người đàn ông”, anh Vũ nói.
Hôm ra thực tế hiện trường để mục sở thị các loại máy móc được thực nghiệm trong rà phá bom mìn, tôi cũng được tiếp xúc với 2 bóng hồng ở đây. Đó là chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ giám sát hoạt động hiện trường của Renew/NPA và chị Nguyễn Thị Phương Nguyên, nhân viên y tế. Và trong cuộc trò chuyện dưới gốc cây vào giờ nghỉ trưa, cả hai đều nói với tôi rằng họ không thấy mình khác biệt hay thua thiệt so với đàn ông. Đó là chưa nói, chị Thủy còn là “cấp trên” của nhiều đấng mày râu trong đội rà phá này. “Ban đầu nghe tôi đi làm ở tổ chức rà phá bom mìn, gia đình, bạn bè đều... hoảng, bản thân tôi cũng lo lắng, hồi hộp. Nhưng sau khi được đào tạo và trải nghiệm, tôi thực sự tự tin. Sự tự tin đó khởi nguồn và lớn dần lên bởi suy nghĩ mình đang góp phần mang điều tốt đẹp cho mảnh đất này, vốn đang bị ô nhiễm bom mìn nặng nề”, chị Phương Nguyên tâm sự.
Tìm “thần chết” thời... 4.0: “Con người  vẫn là... số 1”

Ông Bùi Trọng Hồng tại hiện trường một vụ xử lý bom “khủng” trong vườn nhà dân

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Con tiến lên khi cha ngã xuống

Để có những thước đất “ô nhiễm” bom mìn dần... “xanh”, rất nhiều con người đã đổ mồ hôi, máu và cả mạng sống. Dù quy trình rà phá bom mìn ngày càng hoàn thiện nhưng đối với loại vũ khí sát thương này chẳng ai dám nói trước điều gì. Và ngày 18.5.2016, ngày ông Ngô Thiện Khiết, một đội trưởng thuộc vào hàng lâu năm và xuất sắc của Tổ chức Renew/NPA ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ trên cánh đồng ở thôn Cổ Lũy (xã Hải Ba, H.Hải Lăng) vì vụ nổ bom bi thực sự là một câu chuyện rất buồn đối với những người đang làm công việc đi tìm “tử thần” này. Ông ngã xuống khi chưa kịp nhìn thấy mảnh đất quê hương sạch bóng bom đạn. Ông ngã xuống khi khát vọng cống hiến chưa nguôi ngoai...
Nhưng những gì đội trưởng Khiết đang làm dang dở, chỉ vài tháng sau khi ông qua đời, con trai ông là Ngô Thiện Hoàng (nay đã 29 tuổi) lập tức “tiếp bước”. Chàng trai này vốn là người “ngoại đạo” từng có thời gian làm ở một công ty viễn thông. Nhưng cuối năm 2016, anh vẫn quyết tâm vào công tác tại Renew, khi nỗi ám ảnh về vụ tai nạn của cha vẫn chưa nguôi.
Anh Hoàng bây giờ là thành viên của một đội khảo sát phi kỹ thuật, việc của anh là thu thập các thông tin bằng chứng về bom mìn, một công việc nặng về kỹ năng giao tiếp, phân tích số liệu và ít nguy hiểm hơn bố mình, khi ông luôn là người trực tiếp ra thực địa rà phá. “Nhưng tôi vẫn thấy tự hào. Tôi hạnh phúc khi góp phần bé nhỏ của mình làm cho đất đai Quảng Trị sạch hơn”, anh Hoàng cho hay và tâm sự: “Nói không sợ thì không đúng, nhưng khi ở đây, bất kể ở văn phòng Renew hay ra hiện trường, tôi như cảm nhận được bố vẫn ở đâu đó quanh tôi. Dõi theo tôi, bảo bọc tôi, dẫn đường chỉ lối cho tôi... Và tôi chẳng có gì phải sợ cả”.

“Siêu robot” cắt cỏ giúp dọn đường cho con người tìm… thần chết

Bom mìn thời nào cũng thế, là kẻ thù của hòa bình. Còn con người, những ai từng đi qua chiến tranh mới biết giá trị của hòa bình. Nên khát vọng làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh cũng có giá trị như khát vọng hòa bình! Với người dân Việt Nam, khát vọng ấy luôn sục sôi sau bao mất mát!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.