Tìm thấy 5 thi thể trong vụ vùi lấp 11 người dân ở Phước Sơn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/10/2020 07:46 GMT+7

Tối 29.10, lực lượng cứu nạn tại chỗ đã tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở đất tại địa bàn thôn 3, xã Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) xảy ra chiều 28.10 khiến 11 người bị vùi lấp. .

200 công nhân bị cô lập giữa công trình thủy điện

Tối 29.10, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết lực lượng cứu nạn tại chỗ đã tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở đất tại địa bàn thôn 3, xã Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) xảy ra chiều 28.10 khiến 11 người bị vùi lấp.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 28.10 tại địa bàn thôn 3, xã Phước Lộc (nơi có 32 nhà dân, 215 nhân khẩu) xảy ra sạt lở núi, vùi lấp 11 người. Đến 9 giờ 30 phút ngày 29.10, UBND xã Phước Lộc mới nhận được tin do người dân băng rừng ra báo.

Kinh hoàng cảnh lũ quét cuốn trôi hàng chục nhà dân ở Quảng Nam

Xã Phước Lộc cách trung tâm H.Phước Sơn khoảng 50 km, riêng thôn 3 cách trung tâm xã khoảng 15 km; việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn do sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau khi Chủ tịch UBND xã Phước Lộc Lưu Huyền Thoại báo cáo nhanh về vụ việc, lực lượng tìm kiếm cứu nạn H.Phước Sơn đã cơ động vào hiện trường; nhưng do địa hình phức tạp cộng với đường sá sạt lở, chiều qua lực lượng này đã phải quay trở về TT.Khâm Đức. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam (chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn), cho biết ngành chức năng đang tìm mọi cách để thông tuyến từ xã Phước Chánh lên Phước Kim, Phước Thành rồi đi vào Phước Lộc để đẩy nhanh tiến độ cứu nạn.
* Tối cùng ngày, nguồn tin của PV Thanh Niên cho hay, công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khoảng 200 công nhân thi công công trình thủy điện Đăk Mi 2 (thuộc xã Phước Lộc, H.Phước Sơn, đang bị cô lập do sạt lở) vẫn chưa thành công do đường sá sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho lực lượng hỗ trợ. Hiện các đơn vị cứu nạn đang triển khai giải pháp ưu tiên cho người đưa hàng bằng đường sông, sau đó ngành chức năng sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ cho 200 công nhân. Trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thủy, địa phương sẽ đề xuất Bộ Quốc phòng hỗ trợ phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2, người cũng đang mắc kẹt tại công trình), cho biết có 5 tốp công nhân đang mắc kẹt. “Hiện nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa 30.10. Đến ngày 31.10 thì không còn thức ăn nữa”, ông Tuấn nói.

Nín thở vì sự khủng khiếp của siêu bão Goni - cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2020

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.