Ba trường hợp ngộ độc sau khi cùng nhậu với món ăn từ cá nóc đều là nam giới, làm nghề đánh cá tại Kiên Giang, trong đó một người tử vong. Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch và đều có triệu chứng khó thở, co giật, tê lưỡi, tê chân, đau đầu, người mệt mỏi.
Về độc tố của cá nóc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cá nóc có chứa độc tố tự nhiên là tetrodotoxin. Chất này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Đặc biệt, độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm).
Xem nhanh 12h ngày 22.8: Thảm kịch sau cuộc nhậu cá nóc trên tàu cá ở Kiên Giang
Độc tố không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây ngộ độc khi dùng.
Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1 kg. Với người, chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1 - 2 mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố tồn tại bền vững
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa; đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.
Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc với người ăn.
Biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi cá nóc sống ở cửa sông, nước lợ.
Cá nóc ở Việt Nam xuất hiện gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10. Phần lớn cá nóc tại Việt Nam có chứa độc tố tetrodotoxin.
Bình luận (0)