Tìm thầy lang, gặp... 'thầy lừa'

12/04/2022 09:00 GMT+7

Đang hoang mang, vô vọng cùng cực khi bản thân hay người nhà gặp bệnh nặng, nhiều người đành trông chờ "phước chủ may thầy" tìm kiếm thầy lang trên các hội, nhóm. Họ không biết có những "bẫy lừa" được giăng sẵn...

Trên Facebook, có một nhóm dành cho cộng đồng những người quan tâm đến bệnh ung thư thu hút hơn 24.000 thành viên. Tại đây, bên cạnh những bộc bạch nỗi niềm khi bản thân, hoặc người thân xui rủi mắc bệnh, hay những câu chuyện chia sẻ kinh nghiệm để tự tạo sự lạc quan chống chọi bệnh tật... thì có không ít người mong nhờ giới thiệu những "thầy lang" giỏi, những địa chỉ chữa bệnh theo phương pháp dân gian uy tín... để níu kéo hi vọng sự sống.

Nhiều kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người khác để lừa đảo. Thế nên cần tỉnh táo để không bị sập bẫy lừa mà nhiều kẻ xấu giăng ra trên mạng xã hội Facebook.

REUTERS

"Thầy này hay lắm!"

Lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu đã tung ra những chiêu lừa. Và thực tế, không ít người "mắc bẫy".

Chị Lý Thị Hoài Thu (36 tuổi, nhà ở H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) kể lại chuyện người thân bị ung thư ổ bụng giai đoạn cuối. Sau một thời gian xạ trị không gia giảm, chị đưa người thân về nhà và tìm đến các hội, nhóm trên Facebook với mong mỏi "tìm được nơi nào đó để chữa bằng thuốc nam". "Tia hy vọng lóe lên sau khi tôi đăng bài dò hỏi có ai biết nơi nào chữa ung thư ổ bụng hay không, thì có người "mách nước" là biết một ông thầy lang ở Cà Mau có khả năng chữa bá bệnh", chị Thu nhớ lại.

Cũng theo chị Thu, người này hướng dẫn chị một cách nhiệt tình. Đồng thời cho biết cha của họ cũng từng gặp tình trạng tương tự, được tiên liệu xấu, nhưng sau khi uống thuốc của thầy lang, giờ "sống phà phà", khỏe mạnh như chưa từng bị bệnh.

Sau khi chuyển 11,2 triệu đồng, chị Thu mới biết mình bị lừa

"Họ đưa số điện thoại, tài khoản Facebook của thầy lang để tôi liên lạc. Vì cách xa quá, nên tôi chuyển 11,2 triệu đồng để nhờ thầy lang chuyển thuốc cho tôi. Đâu ngờ, sau khi chuyển tiền đi vào ngày 6.4 vừa qua, người mai mối cũng như thầy lang "lặn" mất tăm. Số điện thoại không liên lạc được. Facebook cũng bị chặn. Tỉnh táo trở lại, tôi mới biết mình bị lừa", chị Thu kể.

Trường hợp như chị Thu không ngoại lệ. Vì có nhiều người trong lúc hoảng loạn, cố gắng tìm cách níu kéo sự sống cho người thân bị những bệnh ngặt nghèo, đã vội tin vào những lời giới thiệu, chỉ chỗ như: "nơi đây cho thuốc rất hiệu quả", "nhà tôi cũng có người bị, may mắn được ông thầy này giúp nên thoát cửa tử"... Để rồi, họ gặm nhấm trái đắng vì sập bẫy lừa.

Vũ Thanh Linh (31 tuổi, nhà ở TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cho biết cũng từng bị mất tiền oan uổng vì tin lời thầy lang trên mạng. Chị gái Linh bị ung thư biểu mô tuyến giáp. Linh tìm đủ nơi đủ chỗ với hi vọng "phước chủ may thầy", "biết đâu có duyên, hợp thuốc, thì chị sẽ khỏi bệnh", Linh nói.

Chàng trai này cũng viết bài kể lại câu chuyện của chị gái, và cũng được giới thiệu, dắt mối với... khá nhiều thầy lang. "Tôi liên hệ tổng cộng 4 người. Có người ở Lạng Sơn, có người ở Đắk Nông... Có người bán thuốc 5 triệu, có người bán thuốc tới 10 triệu. Tôi mua đủ loại với mong muốn để chị uống, hợp thuốc nào hay thuốc đó. Có khi sẽ khỏe lại. Và kết quả là tiền mất còn bệnh ngày càng nặng hơn. Cả 4 người đều là... thầy lừa", Linh cho biết.

"Bóc mẽ" chiêu lừa

Ngoài những cộng đồng đối với bệnh nhân ung thư, thì trên Facebook còn có nhiều hội, nhóm khác được tạo ra để những người kém may mắn khi mắc nhiều bệnh nặng khác như: suy thận, tim, gan, phổi... có thể trao đổi những thông tin, kinh nghiệm liên quan đến việc chữa trị.

Những hỏi han như thế này thường bị kẻ xấu lợi dụng để dẫn dụ vào những chiêu lừa

Có khá nhiều bài viết hướng dẫn nhau về những bác sĩ y khoa giỏi, những bệnh viện uy tín, những loại thuốc tây y phù hợp, hay khuyên nhau lạc quan chống chọi bệnh tật, giúp nhau có nghị lực vượt qua những thời khắc khó khăn... Thế nhưng có một bộ phận kẻ xấu len lỏi vào những hội, nhóm này để giăng những bẫy lừa với những người đang tìm kiếm cơ hội sống cho bản thân, cho người thân bị mắc bệnh nan y.

Theo tìm hiểu, chiêu lừa phổ biến nhất đó là kẻ xấu cùng lúc đóng nhiều vai. Một người có thể tạo ra khoảng... vài tài khoản Facebook cá nhân. Để rồi khi thấy ai đó đang tìm kiếm thầy lang, kẻ xấu sẽ lập tức tiếp cận, liên hệ để... "vào vai người tốt", qua đó giới thiệu, hướng dẫn tận tình. Kẻ xấu làm người giới thiệu. Kẻ xấu cũng giả mạo thầy lang. Chưa kể kẻ xấu cũng đóng luôn vai một người từng chữa bệnh và đã khỏi. "Một người nhưng vào... ba vai" cứ "tung hứng qua lại liên tục" khiến nhiều người bị thuyết phục, tin tưởng tuyệt đối để rồi sập bẫy lừa.

"Ngoài ra, kẻ xấu thường dò hỏi quê quán người cần tìm thầy lang. Sau đó, "thầy lang" sẽ nói quê của họ ở một tỉnh nào đó rất xa, nhằm để nạn nhân không thể đến gặp trực tiếp mà chỉ có thể chuyển thuốc qua đường bưu điện. Trước khi chuyển thuốc thì phải nhận tiền. Trong lúc "dầu sôi lửa bỏng", mong có thuốc thật nhanh để uống, nên tôi chủ quan tin lời và bị lừa", Linh kể thêm.

Cần kể thêm, ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ xấu nhanh chóng chặn số điện thoại, chặn các tài khoản mạng xã hội, cắt đứt mọi liên lạc. Trong trường hợp bị các nạn nhân "bóc phốt", kẻ xấu sẽ thay đổi số điện thoại, thay tên đổi họ các tài khoản Facebook cá nhân để tiếp tục... giăng bẫy những người cả tin khác.

Chiêu lừa phổ biến

"Một người vào nhiều vai" cũng là cách mà nhiều kẻ xấu áp dụng để lừa đảo người khác. Ngoài việc đóng vai "thầy lang" để lừa đảo các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, thì chiêu lừa này còn áp dụng để xúi giục người khác tham gia đánh lô đề, cá độ bóng đá. "Một người vào nhiều vai", đó là: "con bạc", "người từng nợ nần vì thua bạc", "người có khả năng mách bảo thần sầu kết quả lô đề, kết quả bóng đá". Để rồi nhiều "tín đồ đỏ đen" chuyển tiền để "xin con đề", "xin kết quả trận bóng đá"... và bị lừa.

Chiêu lừa này cũng được kẻ xấu áp dụng để câu kéo những người mê tín dị đoan tìm đến bùa ngải, thầy bói, thầy phong thủy...

Cũng từng "dính" chiêu lừa này trong quá trình tìm thuốc nam để chữa bệnh viêm gan B, chị Nguyễn Thị Thanh Bình (28 tuổi, ở H.Krôngpa, Gia Lai), đúc rút kinh nghiệm: "Có những dấu hiệu để nhận biết những kẻ lừa. Đó là thường thúc giục, liên tục "khen lấy khen để" như: "nên mua ông thầy lang này vì ổng hay lắm", "thuốc của ông này hợp với nhiều loại bệnh", "nhiều người may mắn gặp đúng ông này mà được chữa khỏi"... Hay những lời khoe mẽ đánh bóng tên tuổi: "Tôi chữa cho bệnh nhân khắp cả nước", "Ai gặp tôi cũng khỏi bệnh"... Bên cạnh đó, đừng bao giờ nhẹ dạ cả tin mà chuyển tiền trước cho những người chưa hề quen biết, chỉ thấy qua những tài khoản mạng xã hội. Vì có thể rơi vào cảnh tiền mất tật mang như tôi đã từng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.