Tìm thấy phủ đệ thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/12/2022 07:14 GMT+7

Các nhà khảo cổ học cho rằng đã thấy dấu vết phủ đệ thái ấp của An Sinh trong đợt khai quật mới nhất (2022).

Ba điểm di tích Đông Triều

Để phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới, 3 điểm di tích tại Đông Triều (Quảng Ninh) đã được khai quật. Đó là đền An Sinh, chùa Am Hoa và di tích Trại Cấp. Các đơn vị thực hiện khai quật gồm: Hội Khảo cổ học VN, Bảo tàng Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học, Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV (Hà Nội).

Báo cáo sơ bộ về khai quật tại đền An Sinh cho thấy dấu vết sân lát bằng gạch theo kỹ thuật nêm cối, tạo hình theo đồ án hoa chanh. Cũng tại đây, khảo cổ học đã làm xuất lộ một phần của 4 đơn nguyên kiến trúc. Các đơn nguyên này kết nối liên hoàn với nhau tạo thành một quần thể. Các hố thăm dò được mở ở phía bắc của kiến trúc và dấu vết ở phía nam cho thấy công trình này có quy mô khá lớn.

Các dấu vết móng cột đã xuất lộ tại An Sinh cũng cho thấy các móng được đầm chặt bằng sỏi son hoặc đá cát. Kỹ thuật và vật liệu sử dụng gia cố móng cột giống với kỹ thuật và nguyên liệu gia cố móng thời Trần phát hiện trong đền An Sinh, Thái Miếu và một số di tích thời Trần khác ở Đông Triều.

Cảnh quan chùa Am Hoa

Trong khi đó, báo cáo sơ bộ về khai quật tại chùa Am Hoa cho thấy các kiến trúc tuy có cốt nền chênh cao khác nhau nhưng các đơn nguyên kết nối liên hoàn tạo thành tổng thể kiến trúc có mặt bằng hình chữ công. Các đặc điểm nền không cao hơn nhiều so với xung quanh, phần bó nền được làm đơn sơ, có chỗ chỉ được xếp đơn giản, ngay cả những vị trí chênh cốt đòi hỏi kết cấu vững chắc để đảm bảo độ vững chắc của cốt nền thì các bó nền cũng được xếp rất đơn giản cho phép suy đoán các kiến trúc này không sử dụng nền đất mà dùng sàn.

Tại Am Hoa cũng phát hiện các loại hình di vật, tiêu biểu nhất là bia đá, cây hương và một số đồ gốm men. Các di vật này cung cấp các thông tin quan trọng cho việc xác định danh tính cũng như niên đại của di tích. Trong đó, bia đá là loại bia tứ diện - long đình, thân bia làm bằng đá xanh, đế làm bằng đá gạo khai thác tại chỗ. Cây hương đá là loại cây hương tứ diện, mặt cắt ngang thân hình vuông, đỉnh là bát hương hình tròn, không mái được tạo bằng đá xanh, đế làm bằng đá gạo khai thác tại chỗ. Theo minh văn trên bia và cây hương, di tích là chùa Am Hoa thời Lê Trung hưng.

Tại Trại Cấp, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết tường bao và tam quan được phát hiện ở phía nam của khu kiến trúc trung tâm, nằm cùng trục chính tâm với kiến trúc trung tâm. Dấu vết móng tường còn lại rộng trung bình 1,3 - 1,6 m. Các dấu vết còn lại cho phép xác định tường được xếp bằng cuội, giữa đầm đất theo kiểu trình tường, mái lợp ngói. Giữa hai đoạn tường có một khoảng trống, rộng 6,4 m. Đây có thể là phần kiến trúc cổng.

Các nhà khảo cổ cũng thấy dấu vết bó nền của một công trình. Dấu vết còn lại cho phép xác định công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài theo hướng đông - tây 8,9 m; rộng theo hướng bắc - nam 6,4 m. Điều này cho thấy dưới thời Trần, kiến trúc trung tâm là một quần thể với nhiều công trình kết nối liên hoàn với một kiến trúc nằm giữa, bao quanh có các lớp kiến trúc và hành lang.

Chân tảng đá hoa sen mang tính cung đình tại di tích Trại Cấp, niên đại thời Trần

T.L

Gần hơn trên đường đến di sản UNESCO ghi danh

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết việc khai quật 3 di tích trên đem đến nhiều thông tin trong việc nhận diện giá trị và phân bố di tích trong di tích Trúc Lâm Yên Tử. Trước hết, 3 di tích này nằm ở 3 khu vực thuộc H.Đông Triều, tiếp tục minh chứng cho việc Trúc Lâm là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm, kinh đô của Phật giáo thời Trần. “Các di tích này nằm len lỏi trong núi rừng hẻo lánh, nhưng có vị trí đắc địa nếu theo các quan điểm truyền thống và cảnh quan rất đẹp. Điều này phục vụ cho mục đích phát huy các giá trị của thiền phái Trúc Lâm của VN. Trong tương lai, chúng ta có lẽ sẽ còn gặp tiếp các dấu tích Phật giáo tại đây”, PGS-TS Tín nói.

Cũng theo ông Tín, đây là lần đầu tiên tìm thấy khu vực cư trú của quý tộc thời Trần ở An Sinh, cụ thể hơn là của nhân vật lịch sử quan trọng An Sinh Vương Trần Liễu. Ông Trần Liễu là anh của vua Trần Thái Tông. Ông cũng là nhân vật quan trọng được vương triều Trần phong cho vùng đất An Sinh, một vùng đất ven biển có vị trí quốc phòng quan trọng của vùng đông bắc. Người dân ở đây tôn ngài như thánh.

Gạch xếp hình hoa chanh tại di tích phủ đệ An Sinh

Ông Tín cho biết: “Trước ta chỉ biết đền Sinh là nơi thờ tổ tiên nhà Trần mà không biết khu vực phủ đệ thái ấp của An Sinh Vương. Nhưng lần khai quật này ta tìm thấy những nền móng điển hình mang tính cung đình thời Trần. Nó hé lộ, tuy chỉ là bước đầu, đây là một khu dinh thự lớn, là nơi cư trú của An Sinh Vương, có đền thờ ông và mộ táng các vị hoàng đế nhà Trần”. Theo ông Tín, điều này rất có ý nghĩa cho việc xây dựng lịch sử thăng trầm của nhà Trần, của vùng đất khi xây dựng hồ sơ di sản UNESCO.

Cũng theo PGS-TS Tín, việc tìm thấy mặt bằng chùa ở Trại Cấp cho thấy đây có thể là nằm trong tổng thể Phật giáo Trúc Lâm. Do nằm ở vị trí thoai thoải gắn đồng bằng và núi cao, nên nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là nơi sản xuất để cung cấp lương thực lúa gạo cho chùa khu vực cao hơn.

Ông Tín đánh giá cao việc tìm thấy ở Am Hoa một mặt bằng hoàn chỉnh hình chữ công thời Lê Trung hưng. Đây là một biện luận quan trọng trong hồ sơ cho thấy sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.