Tìm thấy thiên thạch 'già' hơn cả trái đất ở sa mạc Sahara

12/03/2021 19:28 GMT+7

Một thiên thạch được tìm thấy ở sa mạc Sahara hồi năm ngoái vừa được xác nhận niên đại và xuất xứ, theo đó nó là một mảnh của phôi hành tinh đã hình thành trước khi Trái đất xuất hiện.

Thiên thạch, được đặt tên EC 002, được xếp vào nhóm anchondrite, có niên đại cách đây 4,6 tỉ năm và có cấu tạo phần lớn là đá núi lửa, cho phép đội ngũ chuyên gia Pháp và Nhật Bản xác định nó phải xuất phát từ lớp vỏ của một hành tinh ở giai đoạn sơ sinh.
Anchondrite là tên dùng để chỉ những thiên thạch đến từ các hành tinh đời đầu của hệ mặt trời, được tạo hình từ các mảnh vật liệu nóng chảy và di chuyển trong không gian sau một vụ va chạm nào đó.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, thiên thạch này từng ở dạng dung nham lỏng, nhưng mất khoảng 100.000 năm để nguội lại và rắn chắc và hình thành nên tảng đá trọng lượng khoảng 31 kg, trước khi lao đến Trái đất.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng chưa từng có thiên thạch nào trước đó sở hữu những đặc điểm tương tự, cho thấy phôi hành tinh mà nó bắt nguồn đã bị phá hủy hoặc trở thành một phần của các thiên thể lớn hơn.
Thiên thạch anchondrite mới nhất đã được đặt tên theo điểm mà nó rơi xuống là đụn cát Erg Chech của Algeria, theo trang Motherboard.
Sau khi so sánh, các chuyên gia khẳng định EC 002 cũng là đá nam châm cổ nhất trên thế giới, tính đến thời điểm này.
Trong khi EC 002 hình thành khoảng 4,6 tỉ năm trước, Trái đất trẻ hơn, chỉ khoảng 4,5 tỉ năm tuổi. Vì vậy, việc nghiên cứu hòn đá này có thể hé lộ lịch sử hệ mặt trời trong giai đoạn mới hình thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.