Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng

Quý Hiên
Quý Hiên
30/05/2024 18:49 GMT+7

Ở Trạm đa dạng sinh học Mê Linh từ 10 năm nay có hai chú vượn đen má trắng, loài đối mặt nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên, nhưng chưa thể nhân giống do không có vượn cái.

Theo ông Đặng Huy Phương, Trạm trưởng Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trong số động vật đang được nhận nuôi bảo tồn tại trạm, có hai cá thể vượn đen má trắng, loài vượn cực kỳ nguy cấp đặc hữu của Đông Nam Á. 

Nhưng dù nhận nuôi hai cá thể vượn này đã lâu trạm vẫn chưa thể nhân giống do cả hai con vượn này đều là giống đực.

Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng- Ảnh 1.

Một cán bộ Trạm đa dạng sinh học Mê Linh đang đứng cạnh chuồng nuôi giữ một con vượn đen má trắng

QUÝ HIÊN

Hy vọng sớm xuất hiện vượn cái còn lẻ bóng

Ông Đặng Huy Phương cho biết: "Xuất xứ của hai con vượn đen má trắng này khá phức tạp. Cách đây khoảng 10 năm, một cơ quan kiểm lâm phía nam bắt được hai con vượn đen má trắng và giao cho Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM). Nhưng trong tự nhiên thì loài vượn đen má trắng này được phân bố ở phía bắc nước ta, bắc Lào và vùng Vân Nam, Trung Quốc. Vì thế Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã liên hệ và bàn giao cho chúng tôi hai con vượn này".

Trong 10 năm qua Trạm đa dạng sinh học Mê Linh vẫn nuôi, giữ hai con vượn đen má trắng đó với mong muốn giữ nguồn gen và nhân giống để bảo tồn gen. Tuy nhiên mục đích thứ hai hiện vẫn chưa thực hiện được.

Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng- Ảnh 2.
Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng- Ảnh 3.

Hai con vượn đen má trắng (cá thể đực) đang được nuôi giữ tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh   

ĐẶNG HUY PHƯƠNG

Ông Phương giải thích: "Hai con vượn này hiện đã mất khả năng tồn tại ngoài tự nhiên. Có lần chúng sổng chuồng nhưng vẫn không chạy đi mà cứ loanh quanh tại khu nuôi giữ. Hơn nữa việc thả chúng ra ngoài tự nhiên là rất mạo hiểm khi mà hiện nay chúng ta chưa xác định được khu vực nào ở miền Bắc vẫn còn trong tự nhiên loài vượn đen má trắng.

Thả ra đồng nghĩa chấp nhận nguy cơ cao chúng sẽ bị tuyệt diệt trong tự nhiên. Chúng tôi hy vọng tìm được một, hai con cái, để ghép đôi với hai con vượn đực, từ đó tạo ra F1. Khi có nhiều con F1 rồi thì chúng tôi sẽ tìm cách đưa vượn F1 ra tự nhiên. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được con vượn cái nào để ghép đôi với hai con vượn đực".

Cũng theo ông Phương, một số trung tâm bảo tồn động vật hoang dã khu vực phía bắc cũng đang giữ gen loài vượn cực kỳ quý hiếm này. Nhưng ở những nơi đó vượn cũng đã có cặp, hoặc cũng chỉ có cá thể đực nên việc trao đổi nguồn gen không thực hiện được.

Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng- Ảnh 4.

Một con vượn cái thuộc loài vượn đen má trắng cái đang ôm con

INTERNET

Theo ước đoán, hai con vượn này khoảng 14 - 15 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi đời của loài vượn này được ghi nhận lên đến 28 năm; trong điều kiện nuôi nhốt thì tuổi đời có thể dài hơn. Hiện trạm vẫn đang nỗ lực tìm vượn cái để ghép đôi với hai con vượn đực đang có.

Ông Phương cho rằng niềm hy vọng hai con vượn được trên sẽ có đôi là có cơ sở. Trước hết là vì tuổi sinh sản của hai chú vượn trên vẫn còn dài. Hơn nữa hiện nay giữa các trung tâm, trạm bảo tồn đang xây dựng sự phối hợp trong công tác bảo tồn gen động vật hoang dã quý hiếm cho nên khi một nơi nào đó xuất hiện thêm một con cái vượn đen má trắng là trạm sẽ biết ngay để trao đổi. 

Một hy vọng khác là trong dân có thể vẫn đang nuôi giữ con cái vượn đen má trắng, nếu biết hai con vượn đen ở trạm cần "vợ" thì họ có thể trao đổi hoặc biếu, tặng các nhà khoa học.

Ông Phương cũng lưu ý cách nhận biết giới tính của vượn đen má trắng trưởng thành qua màu lông: "Khi nhỏ thì chúng không khác nhau, nhưng khi lớn thì lông con đực có màu đen, con cái có màu vàng".    

Hai chú vượn khỏe khoắn, "hiếu khách"

Ông Nguyễn Đức Đông, cán bộ thú y của Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, người trực tiếp chăm sóc hai chú vượn đen má trắng của trạm suốt mười năm nay cho biết, hai chú vượn rất hiếu động và khỏe khoắn. Thông thường một số loài khỉ, vượn trong một thời gian dài không được ghép đôi sẽ có biểu hiện stress, chẳng hạn như bỏ ăn ngồi ủ rũ một góc, rồi vặt trụi lông trên cơ thể mình…

Tìm 'vợ' cho hai chú vượn đen má trắng- Ảnh 5.

Mỗi khi có khách tham quan, hai chú vượn lại bám sát rào lưới sắt để "đón khách"

ĐẶNG HUY PHƯƠNG

Nhưng hai con vượn mà trạm đang nuôi giữ không có những biểu hiện đó. Một ngày chúng được cho ăn hai lần, vào lúc 8 giờ sáng và 14 -15 giờ chiều. Thức ăn là lá cây, hoa quả. Chúng thường đi ngủ sớm (chạng vạng chiều là chui vào chỗ ngủ). Dậy cũng rất sớm, hễ dậy là hú hét vang rừng. Cả ngày chúng đu mình, bay nhảy không ngừng trong cái chuồng sắt mặt bằng gần 30m2 và cao khoảng 7 - 8 m. Chỉ thỉnh thoảng chúng bị rối loạn tiêu hóa, nhưng nhờ được điều trị kịp thời nên chỉ sau vài ngày là ổn.


Theo các nhà nghiên cứu, vượn đen má trắng (tên khoa học là Nomascus leucogenys) là một loài vượn cực kỳ nguy cấp đặc hữu của Đông Nam Á. 

Ở Vân Nam, Trung Quốc, chúng đã được xác nhận là tuyệt chủng (từ năm 2013).

Tại Lào, năm 2019 ước tính có 57 đàn ở Khu Bảo tồn quốc gia Nam Et-Phou Louey.

Tại Việt Nam, các báo cáo ghi nhận năm 2011 có 41 đàn và 127 cá thể. Năm 2020 có ít nhất 22 đàn được xác nhận tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An (gần biên giới với Lào); bên cạnh đó có một quần thể khác gồm 64 đàn và 182 cá thể tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.