Tin đồn

03/06/2018 06:21 GMT+7

Cả UBND tỉnh Bắc Giang và huyện Thanh Hà (Hải Dương) đều đã rất nhanh chóng lên tiếng bác bỏ tin đồn về việc tiêu thụ vải thiều gặp khó khăn.

Vải thiều rớt giá thảm hại và kêu gọi phải “giải cứu” vào thời điểm này rõ ràng là tin đồn thất thiệt. Đây là thái độ đúng đắn, kịp thời và rất đáng hoan nghênh của chính quyền.
Nhưng đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những tin đồn liên quan đến nông sản, ít nhiều gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Và câu chuyện là tại sao những tin đồn (đôi khi rất vô lý) lại có đất sống, lại có thể tác động đến tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân? Tin đồn là “vịt trời”, nhưng “vịt” thì bay đi, thiệt hại của người nông dân còn ở lại, rất thật.
Tin đồn ăn chuối bị ung thư, ăn vải bị viêm não, hay nhãn ở Hưng Yên được chiếu lưu huỳnh cho trái sáng bóng, nuôi cá rô phi bằng thuốc trừ sâu, nuôi lươn bằng thuốc tránh thai, nuôi cua bằng phân tươi… đều rất vô lý và kiểm chứng không khó. Nhưng đáng tiếc, đôi khi chúng ta luôn dễ dàng bị dẫn dắt bởi “hiệu ứng đám đông”, chỉ muốn đặt niềm tin vào đám đông, lười biếng trong kiểm chứng, hoặc nhiệt tình tham gia vào truyền miệng những thông tin vô nghĩa mà ít suy đoán khoa học, có căn cứ.
Nhưng điều này có phần trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước. Hoặc đã không nhanh chóng, trách nhiệm đưa ra những thông tin khoa học, khách quan để bác bỏ tin đồn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ nông dân, hoặc đã rất mập mờ trong thông tin, khiến cho tin đồn có đất sống.
Sở dĩ người ta tin chuyện ăn ngô (bắp) bị ung thư vì người luộc đã dùng pin kẽm, muối diêm, thậm chí bột thông cống để luộc bắp giữ cho bắp lâu hỏng, là bởi vì, trên thực tế đầy rẫy những vụ sử dụng hóa chất độc hại để chế biến thực phẩm bị phát hiện nhưng không được xử lý đến nơi, đến chốn; Tin đồn mít bị bơm thuốc kích chín khiến nông dân đồng bằng sông Cửu Long lao đao, là bởi, hóa chất không rõ nguồn gốc tồn tại quá nhiều trên thị trường, bày bán công khai. Việc quản lý lỏng lẻo đối với an toàn vệ sinh thực phẩm là đất sống màu mỡ cho tin đồn thất thiệt, giết hại sản xuất nông nghiệp.
Mỗi khi như vậy, dù rất nhiều cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương, nhưng không cơ quan nào thấy mình có trách nhiệm phải điều nghiên, lên tiếng phản bác trên cơ sở khoa học, mặc kệ nông dân đánh vật với tin đồn.
Hằng ngày, hằng giờ, sự lẫn lộn thật - giả của thông tin, cũng như các nhân tố cấu thành thị trường vẫn diễn ra, đặc biệt công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển là môi trường hoàn hảo để những kẻ xấu có thể lợi dụng tung tin. Để giải quyết nó, thì ngoài việc các cá nhân phải có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin hoặc bác bỏ thông tin sai trái, sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, còn cần sự công khai, minh bạch, trung thực trong mọi chính sách, thông tin từ chính quyền, để có thể tạo niềm tin “vĩ mô”. Bởi vì, suy cho cùng, cũng chỉ khi người dân có niềm tin vào cơ quan chức năng thì sự lên tiếng, bác bỏ (thông tin sai trái - nếu có) mới có giá trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.