Hành trình đến với pháp quyền

Vũ Hân
Vũ Hân
01/06/2018 03:13 GMT+7

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã một lần nói thẳng “việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta còn rất xa”.

Trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã một lần nói thẳng “việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta còn rất xa”, vì luật Quốc hội xây dựng vẫn còn là luật khung, luật ống; còn quản lý nhà nước chủ yếu bằng thông tư.
Việc ban hành luật đã vậy, giám sát thực thi luật đáng lẽ cùng ban hành luật phải “sóng đôi như hai bàn chân bước đều” cũng có trục trặc, vì đến tầm nghị định, thông tư thì Quốc hội rất khó giám sát được chất lượng, thậm chí cả tiến độ, vì nợ đọng văn bản vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 5 này, Chính phủ vẫn còn đang nợ 11 văn bản hướng dẫn các luật đã có hiệu lực.
Với những vấn đề này trong lập pháp, bước chân đi lên phát triển của đất nước không tránh khỏi hụt hẫng.
Những hụt hẫng này thể hiện ở những luật tuổi thọ siêu ngắn, 2, 3 năm đã phải sửa, như luật Công an nhân dân, luật Đầu tư công; hay thậm chí như bộ luật Hình sự, chưa có hiệu lực đã phải dừng để sửa.
Quốc hội than phiền phải “chạy theo” Chính phủ, vì cho đến nay, 99,9% các đề xuất lập pháp đều đến từ phía Chính phủ, chính xác hơn là đến từ chính bộ được giao quản lý nhà nước. Chỉ có dự án luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp đầu tiên và duy nhất của đại biểu Quốc hội, nhưng cũng trầy trật chưa thành hình.
Đành rằng chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, nhưng dựa một chiều vào cơ quan quản lý nhà nước, không thể tránh khỏi vừa đá bóng vừa thổi còi, cài cắm chính sách có lợi cho mình, mà nhiều người đã gọi là “tham nhũng chính sách”.
Kỷ luật lập pháp cũng không nghiêm, các đề xuất làm luật đưa vào, rút ra thường xuyên. Tình trạng trình hồ sơ xây dựng luật chậm diễn ra còn thường xuyên hơn nữa. Đơn cử, cá nhân người viết đã từng tham gia một phiên làm việc kéo dài từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thẩm tra liên tiếp 3 luật, mà luật nào cũng “nóng hổi” theo đúng nghĩa đen, vì trước giờ thẩm tra 5 phút tài liệu mới được phô tô xong và phát cho đại biểu.
Chưa kịp đọc chứ đừng nói đến nghiên cứu, các đại biểu đã phải “thẩm tra sơ bộ” dự án luật và phải quyết định có trình hay không trình dự án luật ra Quốc hội.
Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ủy ban có quyền từ chối thẩm tra các luật đó, nhưng các ủy ban của Quốc hội chưa bao giờ sử dụng quyền này.
Cả 3 dự án này sau đó đều có những “trục trặc” riêng.
Đầu có xuôi, đuôi mới lọt. Những bước chân lập pháp còn khập khiễng, thì hành trình đi đến pháp quyền tất nhiên vẫn còn xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.