"Thái Lan coi trọng sự an toàn của khách du lịch Trung Quốc và sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo an ninh cho những người đến thăm nước này", Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố tuần trước, nhằm làm rõ tin đồn và trấn an khách du lịch về sự an toàn của họ ở Thái.
Theo báo Trung Quốc Global Times, hashtag "Sự an toàn của khách du lịch ở Thái Lan" đã dẫn đầu các chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc, thu hút hàng trăm triệu lượt xem.
Trong bài đăng trên Weibo thu hút nhiều tương tác, một cư dân mạng Trung Quốc viết rằng Thái Lan là một trong những địa điểm du lịch yêu thích của cô. Trải nghiệm trước đây của cô rất tốt và đó là nơi cô muốn đến nhiều lần. "Tuy nhiên, những gì đang lan truyền trên mạng về Thái Lan khiến tôi do dự", cô viết.
"Kể từ khi Trung Quốc cho phép khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, Thái Lan đã chuẩn bị toàn diện để chào đón và bổ sung nhiều kênh liên lạc cho khách, mang lại sự thuận tiện và an toàn cho du khách để có được thông tin và báo trường hợp khẩn cấp cho cảnh sát du lịch", tuyên bố của Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc viết.
Theo báo Hồng Kông SCMP, tuyên bố trên được đưa ra sau khi một vlog dài 34 phút đăng trên Bilibili (giống YouTube) cảnh báo về việc các nhà hàng ở Bangkok dùng nam bồi bàn hấp dẫn để thu hút du khách.
Các video quay những nam bồi bàn này đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội và người đăng vlog có tên "Bác sĩ tim Lin Lin" cho rằng: Những kẻ buôn người sử dụng các video đó để thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan, khiến du khách gặp rủi ro.
Vlogger trên cho biết, các nhà hàng kiểu này rất phổ biến ở Thái Lan và không có gì mới về chúng. Các video nhắm vào phụ nữ dễ bị tổn thương, nhưng cũng có nội dung nhắm vào nam giới. Sau đó, vlogger bí ẩn kêu gọi khách du lịch thận trọng.
Bài đăng hiện đã bị gỡ và tài khoản "Bác sĩ tim Lin Lin" bị đóng nhưng nội dung này vẫn tiếp tục được chia sẻ rộng rãi và khuấy động các cuộc tranh luận trực tuyến Trung Quốc. Một bản đăng lại trên Weibo vẫn truy cập được, thu hút hàng chục ngàn lượt thích.
Nhiều người cáo buộc vlogger đã gieo rắc nỗi sợ hãi và đưa ra tuyên bố sai sự thật trong khi những người khác cho rằng, lời cảnh báo là chính đáng và tài khoản đã giúp vạch trần "mặt tối của xã hội".
Theo Global Slavery Index (Chỉ số nô lệ toàn cầu), Thái Lan là nơi sinh sống của 610.000 nạn nhân buôn người. Buôn người là vấn đề còn tồn tại rộng lớn ở Đông Nam Á, theo SCMP.
Báo Global Times của Trung Quốc đồng thời cũng có bài xã luận tiêu đề "Không có lý do gì để Thái Lan không chăm sóc tốt du khách Trung Quốc". Bài báo nhắc lại thông báo của Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc và cho biết, tin đồn giật gân thậm chí đã trở thành chủ đề nóng khiến Văn phòng Thủ tướng Thái Lan phải báo động. Qua đó cho thấy việc Thái Lan "đánh giá cao" du khách Trung Quốc không chỉ là lời nói suông.
Bài báo sau khi điểm các thông tin về nối lại du lịch giữa hai nước đã viết: Du khách Trung Quốc phàn nàn về việc tăng giá nhiều hơn, bị lừa đảo, trải nghiệm dịch vụ tệ hơn trước… Những thông tin tiêu cực về du lịch Thái Lan như "Du lịch Thái Lan có còn an toàn không?", "Thái Lan không còn như xưa" gần đây liên tục nhận được sự quan tâm trên mạng Trung Quốc... "Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Thái Lan sau khi nhận thấy sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm những vấn đề này, càng kéo dài càng gây bất lợi cho ngành du lịch Thái Lan", bài báo nhấn mạnh.
Bình luận