Cuối tuần trước, cảnh quay về một con gấu chó được nhìn thấy đứng thẳng và vẫy tay chào đám đông bên trong chuồng tại sở thú ở thành phố Hàng Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc) đã lan truyền nhanh chóng, làm dấy lên suy đoán rằng đó thực sự là một nhân viên mặc trang phục hóa trang.
Trong khi đó, người phát ngôn của sở thú khẳng định con vật là "hàng thật" và sự lừa dối như vậy sẽ không xảy ra tại một cơ sở do nhà nước điều hành. Ông cũng lưu ý rằng với nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C, một người mặc bộ đồ lông để đóng giả gấu "sẽ không trụ vững quá vài phút trước khi gục ngã".
Bị nghi dùng người giả gấu, sở thú Trung Quốc vội đính chính
Sau đó, các nhà quản lý của Công viên động vật hoang dã Paradise ở hạt Hertfordshire (Anh), cũng đã lên tiếng ủng hộ sở thú ở Hàng Châu, nói rằng gấu chó thường thể hiện những cách cư xử khiến chúng trông như thể chúng là con người cải trang.
Để củng cố cho tuyên bố của mình, Công viên động vật hoang dã Paradise đã đăng tải đoạn phim về một trong những con gấu chó đáng yêu của họ đứng bằng hai chân sau. "Chúng tôi có thể xác nhận rằng Kyra là một con gấu chó", Công viên động vật hoang dã Paradise viết trên mạng xã hội Instagram. "Gấu chó có thể trông giống con người khi chúng đứng lên, nhưng đứng bằng hai chân sau thật sự là một hành vi tự nhiên của chúng", cơ sở viết tiếp.
Ngoài ra, sở thú Edinburgh ở Scotland cũng đăng một bức ảnh gấu chó Rotana đang đứng bằng hai chân sau và trông giống người cải trang một cách đáng ngờ. Bức ảnh đã gây ra một loạt bình luận hài hước từ những người theo dõi, trong đó có một người viết: "Rõ ràng là một hình ảnh do AI (trí tuệ nhân tạo) tạo ra".
Theo sở thú ở Hàng Châu, gấu chó có kích thước bằng những con chó lớn, cao nhất là 1,3 m khi đứng trên hai chân sau, trong khi đó gấu xám Bắc Mỹ và các loài gấu khác có chiều cao lên tới 2,8 m.
Theo CNN, gấu chó là loài gấu nhỏ nhất thế giới, sinh sống chủ yếu trong các khu rừng nhiệt đới ở Nam Á và Đông Nam Á. Chúng không ngủ đông và đặc điểm đặc trưng là mảng lông hình lưỡi liềm màu hổ phách trên ngực và chiếc lưỡi dài giúp chúng hút mật từ tổ ong - lý do khiến chúng được gọi là "beruang madu" (gấu mật) ở Malaysia và Indonesia.
Bình luận (0)