Tín dụng đen hoành hành tại Cà Mau

11/03/2016 05:50 GMT+7

Chiều 10.3, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chủ trì cuộc họp báo liên quan đến thông tin về đường dây tín dụng đen của bà Nguyễn Thị Bé Tám.

Chiều 10.3, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chủ trì cuộc họp báo liên quan đến thông tin về đường dây tín dụng đen của bà Nguyễn Thị Bé Tám.

Bà Thoại với cánh tay bị chém - Ảnh: Gia BáchBà Thoại với cánh tay bị chém - Ảnh: Gia Bách
Phó thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm
Tại cuộc họp báo, ông Hải nói: “Tối 9.3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại trực tiếp cho tôi chỉ đạo phải kiểm tra ngay tình hình và có chỉ đạo xử lý nghiêm. Phó thủ tướng yêu cầu tôi chỉ đạo cho ngành công an, nếu như có tình trạng cho vay nặng lãi mà sử dụng xã hội đen để hành hung, trấn áp buộc con nợ phải giao nhà, đất, hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân thì phải bắt ngay”. Ông Hải cũng khẳng định qua báo cáo của công an tỉnh, các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, TP.Cà Mau và ngành tòa án cho thấy tình trạng cho vay trên địa bàn tỉnh của một số người là có thật, trong đó có bà Nguyễn Thị Bé Tám (56 tuổi, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, H.Cái Nước, Cà Mau).
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết trong năm 2015, văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiếp nhận 3 đơn yêu cầu có liên quan đến bà Nguyễn Thị Bé Tám. Đặc biệt ngày 19.1, một số người tụ tập tại khu vực chợ Rau Dừa (xã Hưng Mỹ) trên tay cầm khẩu hiệu “yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Thị Bé Tám về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị ngành công an vào cuộc điều tra, đồng thời phối hợp với các địa phương, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh xem lại các vụ việc có liên quan đến yêu cầu, khiếu kiện của công dân qua các án dân sự có tranh chấp tài sản, thế chấp tài sản vay tiền, hợp đồng chuyển nhượng tài sản… Sau khi phối hợp với nhau rà soát nếu có dấu hiệu hình sự chuyển ngay cơ quan điều tra và báo cáo về UBND tỉnh trong tuần sau.
Vay là… mất tài sản!
Trước đó, tiếp xúc với PV Thanh Niên, một số nạn nhân liên quan đường dây tín dụng đen của bà Tám cho biết theo thỏa thuận khi vay, người vay tiền phải đóng lãi cho bà này tùy theo số tiền vay ngay tại chỗ (nhập vào số nợ) và tài sản được chuyển nhượng trong hợp đồng giả cách, trung bình có lãi suất từ 6 - 11%/tháng. Bà Phan Thị Út (ngụ xã Tân Phú, H.Thới Bình, Cà Mau), một con nợ của bà Tám, bức xúc kể: “Hợp đồng giả cách do bà Tám làm sẵn, khi vay tiền người vay chỉ việc ký vào. Lúc đó, bà Tám nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi nên bản thân tôi và nhiều người khác không do dự mà ký vào”.
Theo bà Út, đầu tháng 9.2014, bà vay của bà Tám 150 triệu đồng, nhưng khi làm giấy sang nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), bà Tám cho ghi khống lên thành 200 triệu đồng buộc bà Út phải ký, nếu không sẽ không nhận được tiền. Sau đó, bà Út có nhu cầu vay thêm 100 triệu đồng, nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng lần này ghi là 200 triệu đồng. “Vài tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà Tám cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và để số điện thoại của bà Tám lên trước cửa”, bà Út bức xúc.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Luân (ngụ xã Thới Bình, H.Thới Bình) cho biết ông vay của bà Tám 200 triệu đồng, nhưng khi làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (diện tích 30.000 m2) giả cách, số tiền vay đội lên là 320 triệu đồng. Ông Luân cho biết: “Hôm ra công chứng làm hợp đồng giả cách chuyển nhượng QSDĐ cho bà Tám, vợ tôi không đi theo và không ký tên vào hợp đồng. Nhưng bà Tám kêu để cho người phụ nữ khác (đi theo bà Tám - PV) ký thay vợ tôi. Lúc đó do cần tiền, mặt khác cũng tin tưởng bà Tám chỉ làm hợp đồng giả cách hình thức nên tôi nhận tiền và ký tên vào”. Nhiều lần siết nợ ông Luân không thành, bà Tám khởi kiện ra tòa vì cho rằng đã mua đất của ông Luân có lập hợp đồng. Trong cuộc hòa giải mới đây tại UBND xã Thới Bình, bà Tám thừa nhận có kêu người đến ký thay chữ ký của vợ ông Luân khi ra công chứng hợp đồng giả cách. “Giá trị đất tôi thế chấp cho bà Tám hiện tại hơn 1,2 tỉ đồng không lẽ tôi chỉ bán cho bà Tám có 320 triệu đồng”, ông Luân nói.
Người “môi giới” bị chém
Gần đây, sau khi hết làm môi giới cho bà Tám, bà Trần Thị Thoại (50 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ) phải thuê nhà trọ ở TP.Cà Mau lánh nạn và không dám ra đường. Bà Thoại kể: “Ngày 31.1, tôi có việc lên TP.Cà Mau. Khi đang đi trên đường Lê Lai (P.2) thì có 2 người đi xe máy ép xe tôi. Bất ngờ người ngồi phía sau cầm dao chém tôi bị thương rồi bỏ chạy. Khi đó, người ngồi phía sau lấy 2 chân che biển số xe lại. Kết quả tôi chém đứt gân tay, vết thương phải khâu 11 mũi”. Theo lời bà Thoại, bà là người “môi giới” cho bà Tám mỗi khi có người cần thế chấp tài sản vay tiền, hay vay tiền “nóng”.
“Ai vay tiền, bà Tám sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng chỉ bằng 1/4, 1/5 giá trị tài sản của người vay, xong bắt họ phải làm hợp đồng mua bán đất. Nếu người vay đóng lãi hằng tháng đúng thì thôi, còn nếu đóng không đúng thì 2 - 3 tháng bà Tám sẽ sang tên chuyển QSDĐ”, bà Thoại nói. Ngày 9.3, bà Thoại khai nhận với công an từ năm 2013 đến nay, bà giới thiệu cho 24 trường hợp đến vay của bà Tám với tổng số tiền là 3,338 tỉ đồng. Đồng thời, bà Thoại cung cấp 64 giấy chứng nhận QSDĐ của 60 người vay tiền đã làm hợp đồng chuyển QSDĐ cho bà Tám.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.