Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến ngày 27.4, huy động vốn của các ngân hàng (NH) khá tốt, đạt 12,4 triệu tỉ đồng. Thanh khoản hệ thống dồi dào, các NH có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. Tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỉ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Tại khu vực Đông Nam bộ, đến hết quý 1, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 1,24%). Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,61%).
Riêng tín dụng bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,67 triệu tỉ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%. Trong đó, dư nợ BĐS khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỉ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng BĐS.
Cuối tháng 4, NHNN đã có Công văn số 2931 chỉ đạo NH tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS. Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của NH, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động NH. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn… Ông Đào Minh Tú cho biết thêm, các NH đã sẵn sàng cho chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Để tháo gỡ những khó khăn về thị trường tín dụng, NHNN đưa ra một số kiến nghị chung. Cụ thể, chính sách tài khóa cần mở rộng để hỗ trợ cải thiện thanh khoản cho nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, cần điều tiết giảm lượng tồn ngân quỹ nhà nước, tăng lượng tiền đưa ra lưu thông trong nền kinh tế.
Về chính sách thương mại, có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu nhằm tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống NH; thu hút FDI, FII, góp phần thu hút được các dòng vốn ngoại tệ về nước, từ đó làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, có các giải pháp khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cầu nước ngoài để tăng tính độc lập tự chủ nền kinh tế.
Đồng thời, xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để qua đó góp phần đẩy mạnh cả 2 phía cung - cầu tín dụng. Có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch TPDN đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp kinh doanh BĐS phát hành TPDN. Nghiên cứu nâng cao hiệu quả cơ chế bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng NH.
Lãi suất vay đã giảm nhưng chưa đủ | Chuyển động Kinh tế
Bình luận (0)