Chiều 3.8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã báo cáo kết quả triển khai các giải pháp nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ thúc đẩy thị trường bất động sản, kết quả triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng…
Từ đầu năm tới nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Về điều hành tín dụng, ngày 10.7, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
NHNN cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có tỷ lệ rủi ro cao, thực hiện tốt công tác định giá tài sản bảo đảm, nhất là tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, thổi giá bất động sản trong thời gian qua.
NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay 120.000 tỉ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4.2023, thực hiện bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản tăng trưởng 4,68% tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (4,73%). Đặc biệt, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng với tốc độ cao hơn rất nhiều (17,4%) cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 6 tháng lại giảm 1,12%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 17,63%. Theo lãnh đạo NHNN, con số này cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp.
Bởi vậy, việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
26 dự án nhà ở xã hội vay vốn 12.800 tỉ đồng
Về triển khai Chương trình 120.000 tỉ đồng, báo cáo của NHNN cho biết đến nay đã có 9 tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 tỉnh công bố trên cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án.
Tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỉ đồng. Ngày 16.6, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỉ đồng và đã giải ngân 20,5 tỉ đồng.
Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỉ đồng, dự kiến giải ngân trong quý 3. Đồng thời hiện nay, các ngân hàng thương mại đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
NHNN cũng đề xuất UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng quy định (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).
Đồng thời, có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, FDI.
Theo báo cáo của NHNN, 6 tháng đầu năm, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2022, chiếm 21,63% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,47%.
Trong đó, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là 947.800 tỉ đồng, tăng 17,4% so với cuối năm 2022. Nhưng dư nợ tiêu dùng bất động sản là 1,75 triệu tỉ đồng, giảm 1,12% so với cuối năm 2022.
Về cơ cấu tín dụng bất động sản, dư nợ về nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất (60,16%, tăng 1,26%), trong đó, dư nợ về xây dựng nhà ở thương mại để bán, cho thuê mua, cho thuê tăng 32%, là phân khúc tăng trưởng cao nhất.
Bên cạnh đó, phân khúc nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản khu công nghiệp cũng có mức tăng trưởng cao (lần lượt là 29,85% và 16,27%).
Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,4%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Đây là mức tăng trưởng rất cao trong khi dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế chỉ tăng 4,73%.
Bình luận (0)