Tín dụng TP.HCM tăng chậm hơn tốc độ của cả nước

Thanh Xuân
Thanh Xuân
05/06/2023 09:06 GMT+7

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tín dụng trên địa bàn TP.HCM 5 tháng đầu năm dự ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành ngân hàng khoảng 3,17% trên cả nước.

Trong đó, dư nợ tín dụng bằng tiền đồng tăng 2,21%, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,46% so với cuối năm 2022. Diễn biến này cùng với xu hướng trên cả nước cho thấy, tín dụng tiền đồng tăng 2,39%, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35%. 

So sánh với 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021, nhưng cao hơn năm 2020. 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng 8,8%; năm 2021 tăng 4,76% và năm 2020 tăng 1,75%. Dòng vốn ngân hàng trong 5 tháng đầu năm vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng tại TP.HCM tăng chậm - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng tiền đồng thấp hơn ngoại tệ

NGỌC THẮNG

Tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố. Trong những tháng tới đây, hoạt động tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế kỳ vọng sẽ có những kết quả tốt hơn nhờ các yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 5 tháng đầu năm CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022).

Kinh tế khó khăn, tín dụng TP.HCM tăng trưởng chậm

Những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế nói chung và kinh tế thành phố nói riêng trong quý 2/2023 (dự ước kinh tế thành phố quý 2/2023 tăng 5,87% so cùng kỳ) là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng và nền kinh tế. Theo đó, tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế là môi trường, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.