Tất nhiên, thông tin chiến tranh vừa nêu hoàn toàn là tin giả, nhưng không chỉ người bạn trên, mà nhiều người khác cũng nhắn tin để hỏi. Và đây cũng không phải là tin giả đầu tiên liên quan tình hình quốc tế thời gian qua. Chỉ vài tháng trước, rất nhiều clip được "cắt dán" lan rộng trên các nền tảng cho thấy "hình ảnh chân thực" để lan truyền tin giả giữa Campuchia và Thái Lan xảy ra xung đột. Thông tin này lan rộng đến mức rất nhiều người tưởng thật, bao gồm cả những gương mặt được cho là có uy tín trên mạng xã hội.
Những tin giả về các vấn đề quốc tế tưởng chừng không ảnh hưởng nhiều đến người VN, nhưng thực chất lại gây tác động không nhỏ, điển hình là những người có thân nhân đang sống, làm việc và học tập tại các quốc gia bị lôi kéo vào tin giả. Chẳng hạn những gia đình có thân nhân xuất khẩu lao động, đang làm việc tại nước ngoài. Trong khi đó, với nhiều người Việt thì việc thẩm định tin thật hay giả liên quan vấn đề quốc tế cũng không dễ dàng vì không phải ai cũng có khả năng thẩm định từ nguồn tin chính thống tiếng nước ngoài.
Một trong những mặt trái của sự bùng nổ của công nghệ ngày nay chính là tạo điều kiện để tin giả dễ dàng lan truyền. Điển hình, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khiến nhiều ứng dụng dựng hình, dựng phim ngày càng dễ sử dụng hơn. Qua đó, nhiều người có thể dễ dàng dựng nên các đoạn video, hình ảnh minh họa để tăng tính thuyết phục cho các bản tin giả. Như các clip lan truyền tin giả Campuchia và Thái Lan xung đột có hẳn những hình ảnh cắt ghép từ các cuộc tập trận của hai bên. Thậm chí, không cần đòi hỏi trình độ công nghệ cao thì vẫn có thể làm ra các nội dung "deep fake" (giả mạo chuyên sâu) với nội dung như thật.
Những điều đó kết hợp cùng sự phổ biến mạnh mẽ của mạng xã hội khiến các tin giả "đầy chân thực" cứ thế lan rộng và dần khiến nhiều người ngày càng khó phân biệt thông tin thật giả.
Trong bối cảnh đó, bản thân mỗi người cần tăng cường khả năng "đề kháng" với tin giả. Hiện nay, có rất nhiều hướng dẫn về nhận diện tin giả để mọi người có thể tham khảo và phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, đừng bao giờ vội vàng chia sẻ các tin tức chưa được kiểm chứng vì sẽ vô tình tiếp tay lan truyền tin giả, có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tin giả, mỗi người cần tiếp cận những kênh thông tin đáng tin cậy. Trong đó, các kênh thông tin chính thống, đặc biệt là các cơ quan báo chí, thực sự vẫn là nguồn tin có độ khả tín cao, đồng thời cập nhật thường xuyên, liên tục tin tức. Mạng xã hội có thể tạo ra điều được gọi là "báo chí công dân", nhưng lại có lỗ hổng rất lớn về những nguyên tắc nghiệp vụ thông tin để đảm bảo tính chính xác. Vì thế, báo chí chính thống vẫn là những kênh theo dõi tin tức quan trọng.
Bình luận (0)