Tín hiệu bí ẩn truyền về từ vũ trụ xa xôi

25/07/2023 11:07 GMT+7

Một thiên thể giấu mặt liên tục phóng các luồng sóng vô tuyến về hướng trái đất với tần suất mỗi 22 phút/lần và trong hơn 30 năm. Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa có lời giải cho hiện tượng này.

Tín hiệu bí ẩn truyền về từ vũ trụ xa xôi - Ảnh 1.

Mô phỏng một ngôi sao đang "hấp hối"

ICRAR

Ban đầu, tín hiệu bí ẩn được cho xuất phát từ một ngôi sao đang hấp hối và phóng thích năng lượng từ các vùng cực. Thế nhưng, nếu là sao, thiên thể này lại xoay quá chậm để có thể thực sự tồn tại.

"Nếu thật sự là một sao từ (chỉ sao neutron với từ trường cực mạnh), ngôi sao đó ắt hẳn không thể sản sinh sóng vô tuyến. Thế nhưng chúng ta lại chứng kiến sóng vô tuyến (liên tục ập đến)", trang Business Insider dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Natasha Hurley-Walker, nhà thiên văn vô tuyến của Đại học Curtin (Úc).

Ngọn 'hải đăng' lẽ ra không tồn tại

Thiên thể bí ẩn được đặt tên khoa học là GPM J1839−10, hiện tiếp tục phóng thích sóng vô tuyến với tần suất ổn định và nhịp điệu khá chậm chạp. Trong khi đó, sóng vô tuyến bình thường xuất phát từ vũ trụ lại chớp/tắt ở tần số nhanh hơn nhiều.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay vào cuối chu kỳ sống, sao có thể sụp đổ thành các sao neutron, chỉ những thiên thể có mật độ siêu đặc, nén hàng tỉ tấn vật liệu vào một không gian nhỏ bé.

Một vài sao neutron phóng thích những luồng ánh sáng và năng lượng mạnh mẽ từ các cực từ. Nhân loại chỉ có thể bắt được những tín hiệu này trong trường hợp luồng ánh sáng và năng lượng quét qua phạm vi trái đất, tương tự như ánh sáng phát ra từ hải đăng dẫn lối cho tàu bè ngoài khơi.

Tín hiệu bí ẩn truyền về từ vũ trụ xa xôi - Ảnh 2.

Một phần của Mạng lưới Trường rộng Murchison ở Tây Úc, cỗ máy phát hiện tín hiệu từ thiên thể bí ẩn

ICRAR

Ngôi sao từ chối bị hủy diệt

Theo các nhà khoa học, xung động từ các sao neutron sẽ giảm xuống cho đến khi đến ngưỡng của tử thần. Về lý thuyết, đây là ngưỡng mà các ngôi sao đã quá chậm chạp và tiếp cận thời khắc bị hủy diệt. Ngưỡng này được cho sẽ bị vượt qua khi các xung động trở nên rời rạc và cách nhau vài phút.

Thế nhưng, xung động từ GPM J1839−10 lại đến khoảng 22 phút/lần, mỗi lần có thể kéo dài đến 5 phút, phá bỏ mọi hiểu biết trước đây của giới thiên văn học.

"Thiên thể mà chúng tôi phát hiện đang xoay quá chậm để có thể tạo ra sóng vô tuyến", tiến sĩ Hurley-Walker cho hay.

Lần đầu tiên xung động từ GPM J1839−10 được ghi nhận là vào năm 1988, tức 35 năm trước. Theo các nhà nghiên cứu, có vẻ như ngôi sao này đang chống chọi trước cái chết và từ chối bị hủy diệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.