Tin học, công nghệ chưa xuất hiện nhiều trong tổ hợp môn xét tuyển ĐH 2025

13/11/2024 05:45 GMT+7

Một số trường ĐH công bố phương án tuyển sinh 2025 cho thấy nhiều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, qua bảng các tổ hợp xét tuyển của một số trường ĐH cho thấy tin học, công nghệ rất ít xuất hiện trong các tổ hợp.

XÉT TUYỂN ĐH SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC HS LỰA CHỌN MÔN HỌC

Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 11 này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các trường ĐH hoàn thành sửa đổi quy chế tuyển sinh ngay trong năm 2024 để áp dụng từ năm 2025 theo hướng đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo, nhưng phải đặt quyền lợi chính đáng của thí sinh và lợi ích chung của xã hội lên hàng đầu; đảm bảo độ tin cậy, khách quan, công bằng, bình đẳng và minh bạch. Công tác tuyển sinh phải có tác động tích cực tới việc dạy và học, đánh giá học sinh (HS) ở giáo dục phổ thông.

Tin học, công nghệ chưa xuất hiện nhiều trong tổ hợp môn xét tuyển ĐH 2025- Ảnh 1.

Học sinh trong giờ môn tin học. Đây là một trong những môn mới nằm trong các môn học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm 2025, là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi quan trọng. Kỳ thi với 4 môn, trong đó toán và ngữ văn bắt buộc, ngoài ra HS có thể lựa chọn thi 2 môn trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cho đến nay đã có một số trường ĐH công bố phương án tuyển sinh, thể hiện sự thay đổi đáng kể như bỏ hẳn hoặc giảm chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ; tăng cường phương thức xét điểm đánh giá năng lực; bổ sung thêm một số tổ hợp có các môn thi mới như tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật…

Tuy nhiên, qua bảng các tổ hợp xét tuyển của một số trường ĐH cho thấy, môn tin học, công nghệ rất ít xuất hiện trong các tổ hợp. Điều này sẽ tác động đến HS lựa chọn các môn thi này trong năm 2025 và các năm sau.

Tuyển sinh ĐH có tác động rất lớn đến xu hướng học tập của HS THPT. Vì thế, các trường xây dựng các tổ hợp có đầy đủ những môn học ở cấp THPT để việc giảng dạy ở cấp học này hài hòa, đa dạng phù hợp với nguyện vọng học tập rất đa dạng của HS và nhu cầu nguồn nhân lực. Việc giảm chỉ tiêu đối với xét tuyển điểm học bạ sẽ tác động đến việc học tập, kiểm tra, đánh giá HS ở trường học thực chất hơn.

NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHƯNG ÍT TỔ HỢP CÓ MÔN TIN

Chẳng hạn một trường ĐH đa ngành tại TP.HCM vừa công bố dự kiến phương án tuyển sinh với 34 ngành, mỗi ngành có 4 tổ hợp xét tuyển. Như vậy có 136 lần xuất hiện tổ hợp. Trong đó, môn toán xuất hiện 127 lượt/136, môn tiếng Anh (70 lượt), vật lý (63), ngữ văn (60), hóa học (49), sinh học (16), lịch sử (12), địa lý (7), tin học (3), giáo dục kinh tế và pháp luật (1), công nghệ (0).

Việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển phù hợp đối với các ngành là quyền chủ động và tính toán của các trường ĐH. Tuy nhiên, qua bảng tổ hợp xét tuyển này nhiều người thắc mắc, tại sao các ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin và khoa học dữ liệu có 4 tổ hợp D01 (toán, văn, Anh), A00 (toán, lý, hóa), C01 (văn, toán, lý) và (toán, Anh, tin học). Trong đó, môn toán xuất hiện cả 4 tổ hợp, môn vật lý 2 tổ hợp, tiếng Anh 2 tổ hợp, ngữ văn 2 tổ hợp nhưng môn tin học chỉ xuất hiện trong 1 tổ hợp. Điều này là không phù hợp với môn tin học.

Một số ngành công nghệ như: công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa… hoàn toàn không có môn công nghệ.

Như vậy các môn tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật… rất ít xuất hiện trong các tổ hợp, có thể vì mới nên các trường ĐH lo ngại ít HS dự thi các môn này. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng ở một số trường THPT vắng bóng một số môn học. Đây là những khó khăn và thử thách cho các trường học, vì sẽ thừa thiếu giáo viên cục bộ. Về lâu dài, tình trạng vắng bóng một số môn học sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của địa phương và đất nước.

NÊN ĐỐI SÁNH TỶ LỆ CHỌN MÔN GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp năm 2025 khẳng định, kết quả thi là một trong những cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục. Trong đó, tỷ lệ HS chọn các môn thi của một trường, một địa phương cũng cho thấy chất lượng giáo dục của một trường, một địa phương.

Chẳng hạn, TP.HCM năm 2024 xếp thứ 20/63 về trung bình điểm thi nhưng với tỷ lệ 61% HS thành phố chọn tổ hợp khoa học tự nhiên đã thể hiện chất lượng giáo dục THPT. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên đối sánh tỷ lệ chọn môn thi giữa các địa phương. Qua đó, các địa phương sẽ có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương mình.

Tin học, công nghệ chưa xuất hiện nhiều trong tổ hợp môn xét tuyển ĐH 2025- Ảnh 2.

Cho đến nay, các môn tin học, công nghệ ít xuất hiện trong các tổ hợp môn xét tuyển của các trường ĐH

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

ĐA DẠNG PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN ĐH

Trong gần 10 năm nay, tuyển sinh ĐH và CĐ nghề có những chuyển biến tích cực, theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo và đa dạng hóa phương thức xét tuyển theo xu hướng của giáo dục ĐH thế giới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 khẳng định cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật. Nhờ đó, việc mở ngành và tuyển sinh của các trường ĐH được chủ động hoàn toàn trên cơ sở những nguyên tắc tuyển sinh do Bộ GD-ĐT ban hành. Áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như tuyển thẳng ĐH, xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, dựa vào điểm thi đánh giá năng lực/tư duy của các ĐH và trường ĐH, kết quả đánh giá V-SAT, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, hay các phương thức kết hợp… Từ đó, tạo nhiều cơ hội cho HS vào ĐH, tỷ lệ trúng tuyển nhập học ĐH tăng lên qua các năm: năm 2022 đạt 51%, năm 2023 đạt 53% trong tổng số HS tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh sớm đã có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập của một số HS. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhóm HS biết trúng tuyển ĐH sớm có điểm thi THPT thấp hơn nhóm trúng tuyển bằng điểm thi THPT; đồng thời, do quá nhiều phương thức xét tuyển nên chỉ tiêu dành cho phương thức sử dụng điểm thi giảm, điểm chuẩn đẩy lên cao, giảm cơ hội vào ĐH đối với HS sử dụng điểm thi. Những ảnh hưởng tiêu cực này cần được khắc phục từ năm 2025 trở đi.

Tuyển sinh ĐH tác động đến dạy học phổ thông

Tuyển sinh ĐH có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục THPT. Đã có lúc tuyển sinh ĐH làm thay đổi cả phương án phân ban do Bộ GD-ĐT chủ trương triển khai ở trường THPT.

Từ năm học 2003 - 2004, Bộ GD-ĐT thí điểm chương trình phân ban THPT tại gần 50 trường của 11 địa phương, với hai ban, gồm: Khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn toán, lý, hóa, sinh) và Khoa học xã hội và nhân văn (ban C, học nâng cao văn, sử, địa, ngoại ngữ).

Từ năm học 2006 - 2007 chương trình phân ban đã có 3 ban. Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn này gồm 6 môn, trong đó 3 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ là bắt buộc, 3 môn thi còn lại do Bộ GD-ĐT công bố sau ngày 31.3 hằng năm. Tiếp sau thi tốt nghiệp là kỳ thi ĐH rất căng thẳng theo hình thức "3 chung": chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi.

Từ năm 2010 - 2011 trở đi, HS cả nước chỉ học một ban cơ bản và biến tấu thành: Cơ bản A (học chương trình cơ bản, nâng cao toán, lý, hóa), Cơ bản B (nâng cao toán, hóa, sinh), Cơ bản C (nâng cao văn, sử, địa) và cơ bản D (nâng cao toán, văn, Anh)…

Như vậy, việc tuyển sinh ĐH theo khối A, B, C, D đã quyết định xu hướng học tập và giảng dạy ở cấp THPT, bất chấp việc triển khai chương trình THPT phân ban. Có thể khẳng định rằng, xu hướng học tập của HS theo định hướng nghề nghiệp và theo các cách thức tuyển sinh ĐH và CĐ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.