(TNO) Là những thầy cô giáo trên giảng đường đại học, chúng tôi luôn tự nhủ rằng: Hãy tin ở thanh niên, sinh viên! Và chúng tôi có cơ sở cho những niềm tin đó...
>> Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc
>> Năm Thanh niên tình nguyện
|
Dân số Việt Nam đã chính thức vượt mốc 90 triệu người vào ngày 1.11.2013, đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á
Chúng ta cũng đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007 (tức cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 hoặc ít hơn 1 người trong độ tuổi phụ thuộc, dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Dự kiến đến năm 2015, dân số cả nước là 92.308.000 người, dân số thanh niên là 24.701.354 người, chiếm 26,8% dân số cả nước.
Thanh niên Việt Nam (có độ tuổi từ 16 đến 30, theo quy định của Luật Thanh niên) là một tầng lớp xã hội đặc thù, chiếm số đông trong dân số cả nước, một nguồn lực khổng lồ cho phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Đánh mất niềm tin?
Nhưng mỗi ngày mới, mở các phương tiện thông tin đại chúng, lại thấy có biết bao điều đáng suy ngẫm về lối sống của một bộ phận thanh niên ngày nay. Có phải họ đang sống một cách ích kỷ, xa rời lý tưởng, thờ ơ trước trách nhiệm với xã hội và cộng đồng? Có phải họ lệch lac trong nhận thức và hành vi, coi lối sống hưởng thụ vật chất là tiêu chuẩn để đo giá trị? Có phải họ đang sống một cách buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, đua xe, cướp giật, giết người..?
Theo Vụ Thống kê tổng hợp (TAND Tối cao), trong năm 2009, tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi 18 - 30 chiếm 34,5% (35.435 bị cáo), trong đó tỷ lệ này ở độ tuổi trên 30 là 59,3%. Năm 2010, độ tuổi 18 - 30 có tỷ lệ phạm tội tăng lên mức 40% (34.846 bị cáo) và độ tuổi trên 30 giảm xuống còn 55,2%. Như vậy, điều đáng lo ngại là sự gia tăng của tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Cũng có hồi chuông cảnh báo với việc Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới, với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Chính điều đó đã làm nhiều người hoang mang về lối sống hiện nay của nhiều bạn trẻ, và tự đặt câu hỏi rằng: Liệu có thể tin vào thanh niên hôm nay?
|
Đặt niềm tin vào đâu?
Là những thầy cô giáo trên giảng đường đại học và hằng ngày vẫn thường tiếp xúc với thanh niên, sinh viên, với những câu chuyện đời thường của họ, chúng tôi vẫn luôn tự nhủ rằng: Hãy tin ở thanh niên, sinh viên! Và chúng tôi có cơ sở cho những niềm tin đó.
|
Hãy đặt niềm tin vào lý tưởng sống của thanh niên, sinh viên! Bởi nếu không, chúng ta sẽ lý giải như thế nào cho màu áo xanh tình nguyện đang tô sắc thắm trên những nẻo đường các em đã đến, cho những công việc các em đã làm, từ Tiếp sức mùa thi, Bảo vệ môi trường, Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện và nhiều hoạt động khác nữa. Chỉ riêng đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 6.000 thanh niên Thủ đô đã tình nguyện phục vụ Quốc tang. Và biết bao bạn trẻ đã tình nguyện gắn bó mùa hè với những vùng sâu, vùng xa, các địa phương còn nhiều khó khăn. Không phải ngẫu nhiên năm 2014 được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn là “Năm thanh niên tình nguyện”, đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” và nâng cao chất lượng phong trào “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị” nhằm tạo bước đột phá phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội.
Đặt niềm tin vào trách nhiệm với cộng đồng- xã hội của các em!. Hãy xem những giọt máu được cho đi trong các đợt hiến máu nhân đạo chủ yếu là ai, nếu không phải là lực lượng chủ chốt thanh niên, sinh viên? Tôi gần như đã khóc khi nghe câu chuyện của một sinh viên khoa Văn mấy năm về trước. Em bé nhỏ, chỉ 43 cân, bảo với tôi rằng, 3 năm học ở trường, em đã 7 lần hiến máu nhân đạo. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết nói rằng, em phải giữ sức khỏe của bản thân, không ai đòi hỏi em nhiều như thế! Nhưng đó là công việc tự nguyện em làm, khi em bảo “mỗi một giọt máu cho đi, có thể sẽ thêm một cuộc đời ở lại cô à”.
Đặt niềm tin vào ý chí và nghị lực của các em! Hãy đến các giảng đường đại học, để thấy hầu hết các em đang phải vật lộn với cơm-áo-gạo-tiền, cũng hãy xem công việc mà các em đang phải làm thêm, từ gia sư, bán quần áo, phục vụ bàn… để có thêm tiền trang trải ăn học. Có những em đã viết cho tôi rằng “Cô ơi, em cũng muốn học thật tốt, nhưng đi làm thêm nhiều, lúc nào em cũng thèm ngủ, cứ đến lớp là muốn gục mặt xuống bàn để ngủ, cô ạ”, “Em bận làm thêm quá, không tham gia được nhiều hoạt động tập thể, cô đừng trách em!” Làm sao có thể trách, khi áp lực cuộc sống mà các em phải phân thân ra vậy, chỉ biết nhắc nhở rằng, đi làm, nhưng cũng cân bằng với việc học, để không lãng quên mục tiêu chính của mình.
Đặt niềm tin vào thái độ sống tích cực, sự chia sẻ và lòng nhân ái của các em!. Như ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội, có CLB Hoa Đá, mái nhà chung cho các sinh viên khuyết tật và tình nguyện viên, cộng tác viên, nơi thắp sáng niềm tin, kết tình bè bạn. Dù khuyết tật, các em vẫn sống với thái độ sống rất tích cực, như Nguyễn Ánh Ngọc, cô gái đã vượt lên số phận khắc nghiệt để trở thành sinh viên ngành Tâm lý học, đạt giải Nhất cuộc thi người đẹp khuyết tật mang tên Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2013.
|
Để có nhìn một cách đa dạng, nhiều chiều hơn, chúng tôi đã tìm gặp thạc sĩ Trần Bách Hiếu, Phó bí thư đoàn trường và một số sinh viên Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, để hỏi về cảm nhận đối với lối sống của thanh niên, sinh viên hiện nay.
Thạc sĩ Trần Bách Hiếu cho rằng: “Vì một số câu chuyện, một số biểu hiện tiêu cực mà chúng ta đang mất đi niềm tin với thế hệ trẻ, nhưng không thể đánh đồng như vậy. Có thể biểu hiện của các em không giống như ngày xưa, nhưng vẫn là một thế hệ có lý tưởng, có hoài bão, học tập và cống hiến, vẫn là những người giữ được lửa của tuổi trẻ, yêu nước và cống hiến vì cộng đồng. Hãy đặt niềm tin vào các em, để phát huy được sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, vượt qua bối cảnh của sự giao hòa trong không gian toàn cầu hóa”.
“Các bạn thanh niên, sinh viên hiện nay có một bộ phận rất năng động, sáng tạo, hiểu được thế mạnh của mình, để có thể phát huy nó, như kinh doanh”, Đỗ Thị Nhung, K56 Chính trị học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, chia sẻ.
Và một số niềm trăn trở
Dẫu rằng có thể đặt niềm tin vào thanh niên, sinh viên hiện nay, vẫn còn một số niềm trăn trở. Bản thân các em cũng nhận thấy điều đó, như Đỗ Thị Nhung đã nói: “Hình như các bạn trẻ hiện nay đang có hai con người khác nhau: một con người trên mạng xã hội, rất cởi mở, rất thích like và comment, và một con người thực tế ở bên ngoài vẫn còn “khép kín”. Một số bạn cũng còn thụ động, mơ hồ về lối sống của mình: không biết mình sẽ làm gì, mất đi mục tiêu và phương hướng. Các bạn cũng còn thiếu khả năng giao tiếp”.
“Lối sống của thanh niên, sinh viên nhiều khi cũng không ổn định, vì áp lực từ cuộc sống, vì độ chênh giữa giáo dục với thực tế, vì những điều còn giáo điều trong sách với hiện thực bên ngoài. Và nếu thầy cô không thực sự làm như những gì thầy cô nói, thì sẽ rất khó để thuyết phục và thậm chí phản tác dụng”, Nguyễn Văn Trung, K56 Chính trị học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, nói.
Tôi cứ nghĩ mãi về những điều các em đã nói, làm sao “để sinh viên tự do trong cách thể hiện bản thân mình”, làm sao để “nhà trường biết cách đánh đúng tâm lý của sinh viên, phát huy lối sống đẹp của các em, một lối sống thật với con người của các em, và có thể không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng có ích cho xã hội”?
Đó là con đường mà chúng tôi đã đi, và sẽ còn đi tiếp, và chúng tôi biết, dẫu nhiều thách thức, chúng tôi sẽ được tiếp lửa bởi niềm tin với thanh niên, sinh viên!
Nguyễn Thúy Hằng
(Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội)
>> Đối thoại trực tuyến: 'Năm Thanh niên tình nguyện 2014
>> Khoảng 1.200 thanh niên VN thăm Nhật Bản
>> Cần cơ chế khuyến khích thanh niên tình nguyện
>> Diễn đàn Thanh niên với công tác khai thác các mỏ cận biên
>> Gương mặt Thanh niên tiêu biểu 2013: Hoa tím giữa Trường Sa
>> Giao lưu thanh niên với chiến sĩ biên phòng
>> Ra quân 'Năm thanh niên tình nguyện
>> Nhiều công trình thanh niên thiết thực
>> Diễn đàn thanh niên khu vực tam giác phát triển
Bình luận (0)