Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 12.1, tổng số ca mắc Covid-19 được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) tại TP.HCM là 697. Trong đó, 238 ca sàng lọc tại bệnh viện, 333 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm y tế lấy mẫu, 126 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
Qua các báo cáo gần đây cho thấy, số ca phát hiện mắc Covid-19 tại cộng đồng có xu hướng cao hơn phát hiện tại bệnh viện.
Số ca nhiễm biến thể Omicron lũy tích đến hiện tại là 12 ca. Số ca cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM là 509.498 ca.
Người dân đi khai báo y tế tại Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM |
DUY TÍNH |
Tình hình nhập viện, cách ly, xuất viện
Trong ngày 12.1, số ca mắc Covid-19 nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 321 ca. Như vậy, tổng ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 4.240 ca.
Trong đó tầng 3 là 945 ca, chiếm tỷ lệ 22,3% so với các ca đang nằm viện tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3.
Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 1.357 ca, chiếm tỷ lệ 32% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỷ lệ 5,2% so với tổng số F0.
Số ca đang thở máy xâm lấn là 294 ca, chiếm tỷ lệ 6,9% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số F0.
Số trẻ em dưới 16 tuổi đang nằm viện là 77 ca và 29 ca phụ nữ mang thai.
Tính đến hết ngày 11.1, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung chỉ còn 600 người. Ngoài ra, có 2 ca đang cách ly tại khu cách ly, điều trị của khu chế xuất, khu công nghiệp (Khu Công nghệ cao: 2 ca).
Tổng số ca đang cách ly tại nhà là 21.147ca.
Số ca xuất viện tầng 2, tầng 3 ngày 11.1 là 374 ca (số ca xuất viện cộng dồn là 312.849 ca). Số ca hoàn thành cách ly tầng 1 là 3.092 ca (trong đó số ca hoàn thành cách ly tại nhà là 2.992 ca, số ca hoàn thành cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là 100 ca).
Tình hình tử vong
Ngày 12.1, số ca mắc Covid-19 tử vong tại TP.HCM 18 ca, trong đó có 4 ca từ các tỉnh khác. Như vậy, số tử vong thực tế của TP.HCM là 14 ca.
Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày 12.1 cho thấy, có 18 ca tử vong do Covid-19 kèm mắc bệnh nền.
Số ca tử vong 18 đến 50 tuổi là 1 ca, số ca tử vong từ 51 đến 65 tuổi là 5 ca, số ca tử vong trên 65 tuổi là 12 ca, không có trường hợp tử vong ở trẻ em và phụ nữ mang thai trong ngày. Số ca mắc Covid-19 tử vong cộng dồn là 20.163 ca.
Tình hình tiêm vắc xin Covid-19
Trong ngày 12.1, TP.HCM đã tiêm 200.662 liều vắc xin Covid-19, nâng tổng số liều tiêm đến nay là 18,6 triệu liều.
Trong đó, có 8,07 triệu liều mũi 1, 7,2 triệu liều mũi 2, 471.893 liều mũi bổ sung và 2,9 triệu liều mũi nhắc lại, trong đó có 1.38 triệu liều cho trẻ 12-17 tuổi.
TP.HCM tiếp tục kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi của thành phố, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.
Theo kế hoạch của TP.HCM, năm 2022 sẽ ưu tiên bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc và tử vong do Covid-19 từ 50 tuổi trở lên. Tại hội nghị phương hướng nhiệm vụ 2022 của ngành y tế TP.HCM vào ngày 13.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị quan tâm bảo vệ lực lượng công nhân lao động, lực lượng tuyến đầu trong phát triển kinh tế, bên cạnh đó củng cố hệ thống y tế.
Hơn 200 sinh viên y khoa đi thực tập cộng đồng
Sáng 12.1, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã làm lễ ra quân Hoạt động thực tập cộng đồng gắn với hỗ trợ công tác tại các trạm y tế lưu động cho sinh viên y chính quy năm thứ 5 (Y2017ABCD) và năm thứ 6 (Y2016ABCD). Đợt ra quân lần này kéo dài từ 12.1 đến 20.1với sự tham gia của 153 sinh viên Y6 và 108 sinh viên Y5, tại 15 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Việc thực tập tại cơ sở sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên có thêm kiến thức vững vàng từ cơ sở đến chuyên khoa và bệnh viện. Sinh viên nào có sáng kiến đổi mới trong quá trình thực tập sẽ được cộng điểm 10.
Nội dung thực tập: Xác định, lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công thực tập. Tham gia cùng Tổ Covid cộng đồng hoặc Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép. Nhập thông tin người F0 trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” kể từ khi tiếp nhận thông tin F0. Chuyển thông tin F0 cho các Cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà được phân công trên phần mềm hoặc file excel trong vòng 4 – 6 giờ. Chuyển danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khoẻ định kỳ, hướng dẫn chăm sóc bệnh nền (nếu có). Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khoẻ tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM. Sinh viên Y5 thực tập buổi sáng, sinh viên Y6 thực tập buổi chiều.
Bình luận (0)