Tin tức giáo dục đặc biệt 9.4: Mỗi bữa 2 bát cơm, sao rối loạn tâm thần?

08/04/2022 22:54 GMT+7

Những vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần của học sinh ngày một tăng khi dịch bệnh kéo dài nhưng thường phát hiện khi đã quá muộn là câu chuyện đáng quan tâm trong tin tức giáo dục đặc biệt trên Thanh Niên ngày mai.

Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (9.4) còn nêu ra các hướng giải quyết căn cơ sức khỏe tâm thần của học sinh để không còn phải chạy theo giải quyết từng sự vụ.

Học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh

đ.n.t

Học trực tuyến kéo dài, học sinh sợ hãi khi đến trường

Bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cho hay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, khi hết giãn cách xã hội, học sinh trở lại trường, bà đã nhận thấy sự tương tác, giao tiếp của các em với thầy cô, bạn bè, trong các hoạt động chung của nhà trường đều bị ảnh hưởng rất nhiều.

Một phụ huynh ở Q.Gò vấp, TP.HCM cho biết có con học lớp 6 nhưng khi học sinh được đi học trở lại một tuần sau hơn một học kỳ học trực tuyến thì con nhất quyết không chịu đến trường nữa do bị “sốc” vì chuyển đổi từ việc học trực tuyến qua trực tiếp.

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), cho biết trường có một học sinh lớp 10, hết thời gian học trực tuyến, quay trở lại trường học trực tiếp thì một thời gian ngắn sau phải bảo lưu kết quả học tập vì không thể hòa nhập được và tỏ ra sợ hãi khi đến trường…

Nhiều câu chuyện như thế chứng tỏ học sinh đang có rất nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần khi dịch bệnh kéo dài, học trực tuyến quá lâu… Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không nhận ra điều này. Thậm chí có người đưa con đi khám bác sĩ tâm thần ở bệnh viện, bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ít nhất 10 ngày thì tỏ ra không tin và cho rằng con mình “nó giả vờ đấy”, nó vẫn ăn mỗi bữa 2 bát cơm, vẫn vào mạng, xem tivi bình thường, chỉ khi học thì mới kêu mệt…

Sẽ còn nhiều nguyên nhân khác, nhiều con số và dày đặc thông tin đáng quan tâm về sức khỏe tâm thần của học sinh sẽ được phản ảnh trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (9.4).

Đi tìm “kháng thể” cho học sinh

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, cho rằng nếu cứ chạy theo giải quyết từng vụ việc nhỏ lẻ theo kiểu “ăn đong” thì sẽ không bao giờ hết các vụ việc đáng tiếc.

Cần thiết phải có phòng tư vấn tâm lý với giáo viên đào tạo đúng chuyên môn trong các trường học

đào ngọc thạch

Ông Tùng Lâm cho rằng, điều quan trọng là chương trình giáo dục phải tạo “kháng thể” cho học sinh, tăng khả năng chịu áp lực, đối mặt và giải quyết các vấn đề của cuộc sống chứ không phải chỉ loanh quanh đổ lỗi.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, ưu tiên số 1 phải là phòng ngừa thay vì điều trị; thứ hai là phải phát hiện, can thiệp sớm thì hiệu quả cao hơn.

Đâu là giải pháp để ngăn chặn, phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề về sức khỏe tâm thần học sinh? Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai sẽ nêu rõ những điều này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.