Trên báo in Thanh Niên ngày mai 19.5.2020 còn có các tin tức giáo dục đặc biệt được nhiều người quan tâm: Nhiều điểm mới trong tuyển sinh sư phạm năm 2020. Học sinh mầm non TP.HCM trong ngày đầu tiên trở lại trường.
Ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại
Bỏ xếp loại học sinh yếu, giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra; xem ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại học sinh…Đó là những thay đổi quan trọng trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT theo Thông tư số 58 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), giải thích: “Việc sửa đổi quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT nhằm bãi bỏ hoặc chỉnh sửa những quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp; bổ sung những quy định mới gần với mục tiêu kiểm tra, đánh giá năng lực của người học mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.
Sau khi lấy ý kiến góp ý, thông tư sửa đổi này sẽ được chỉnh sửa và ban hành chính thức để có thể áp dụng ngay từ năm học tới (2020-2021).
Chi tiết những thay đổi trong dự thảo đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông sẽ có trong bài phân tích trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (19.5).
|
Tỷ lệ học sinh mầm non đi học lại cao hơn dự kiến
Ngày 18.5, học sinh khối lớp lá bậc mầm non ở TP.HCM đã đi học trở lại sau gần 4 tháng nghỉ học liên tục. Dù đã quên hết tên bạn bè, giáo viên nhưng nhiều em vẫn tíu tít, vui mừng khi quay trở lại trường.
Theo ghi nhận, tỷ lệ học sinh đi học lại ở một số trường khá cao so với dự kiến của các trường.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, với bậc mầm non, từ 18.5 trẻ lớp lá sẽ đến trường, còn lớp mầm và chồi ngày 25.5. Đến ngày 1.6, các lớp nhà trẻ còn lại bắt đầu đi học trở lại.
Tuyển sinh vào khối ngành sư phạm có những thay đổi nào?
Theo kế hoạch dự kiến, một số trường có tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên sẽ bổ sung phương thức xét tuyển điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Quy chế tuyển sinh đã ban hành có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, với hình thức thi tuyển trình độ ĐH, trong đó có các kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại khá hoặc điểm tốt nghiệp THPT từ 6.5 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào các ngành sư phạm.
Trong khi đó, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, theo đánh giá của các chuyên gia, quy chế tuyển sinh năm nay “rộng cửa” hơn với các thí sinh khi cho phép thí sinh tham gia xét học bạ các ngành đào tạo giáo viên có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên. Trong khi năm 2019, quy chế quy định ở trình độ ĐH xét tuyển các ngành này học sinh cần có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.
Thông tin chi tiết về những thay đổi này có trong bài phản ảnh tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.
Bình luận (0)