Tin vào công lý

05/04/2019 04:56 GMT+7

Hôm qua, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 bị can trong vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất mà Thanh Niên lên tiếng trong loạt bài nhiều kỳ suốt tháng 10 - 11.2018.

Loạt bài viết trên Thanh Niên khi đó đã thực sự khiến dư luận bàng hoàng. Bởi nhiều người không thể tin có những vụ việc “tày trời oan khuất” lại diễn ra suốt một thời gian dài như thế. 8 thân phận trong một đại gia đình bị bắt, bị giam, thậm chí nhục hình để ép nhận tội trong một vụ án mà chứng cứ ban đầu rất mơ hồ. Đến khi họ được thả ra vì chứng cứ không thể buộc tội, chỉ duy nhất ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) khi bị bắt đang là quân nhân nên có quyết định đình chỉ điều tra, 7 người còn lại không hề có một sự “minh oan” nào, để rồi họ và cả con cái họ phải sống hơn 40 năm trong mỏi mòn, tủi nhục, trong sự khinh bỉ của xã hội về “lũ cướp”. 40 năm, họ đã gõ cửa biết bao cơ quan, ban ngành để tìm công lý.
Trên bước đường gian nan, đã có người không thể trụ được, nhắm mắt xuôi tay mang theo nỗi oan khuất. Nhưng từ trong sâu thẳm họ vẫn tin có công lý. Tin, nên họ mới kiên trì đi tìm suốt những năm qua, dù thực sự đã có lúc họ muốn buông tay khi gia đình ly tán, tài sản tiêu tan...
Báo Thanh Niên khi nhận được phản ánh vụ việc, quyết định tìm hiểu và đưa ra công luận, cũng lấy niềm tin công lý làm động lực. Động lực được tiếp thêm khi từng bài báo đăng tải, hàng chục ngàn độc giả cả nước gọi điện, gửi phản hồi chia sẻ sự đồng cảm với các nạn nhân; khi các cơ quan, ban ngành địa phương, T.Ư, các đại biểu Quốc hội... lên tiếng yêu cầu làm rõ; Viện KSND tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ việc...
Và kết quả là bước đầu công lý đã được thực thi, cơ quan tố tụng đã nhìn nhận lại vụ việc, “sửa sai” và trao các quyết định đình chỉ điều tra với những người oan sai hơn 40 năm trước.
Nói bước đầu, là bởi trong vụ việc này sẽ còn cả một quá trình dài phục hồi quyền lợi công dân, bồi thường oan sai cho các nạn nhân. Tuy nhiên, sự “sửa sai” của cơ quan tố tụng cũng là điều đáng ghi nhận. Bởi có theo dõi, nghiên cứu quá trình diễn ra vụ án, mới thấy ẩn chứa trong đó nhiều điều cần thẳng thắn nhìn nhận, đó là trách nhiệm công vụ của những người liên quan, đó là quy trình và cả thái độ của các “công bộc” trong giải quyết việc của dân... khi mà các quyết định đình chỉ điều tra thực tế đều có và tồn tại từ năm 1983 đến nay, nhưng đằng đẵng hàng chục năm trời nạn nhân đi tới, đi lui yêu cầu cung cấp lại chỉ nhận được những cái lắc đầu, câu trả lời đến vô cảm của cán bộ thẩm quyền.
Vụ việc Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất dần được khép lại. Nhưng điều mà người dân mong muốn là đừng để xảy ra những chuyện tương tự. Muốn vậy, một trong những giải pháp hàng đầu là siết chặt và nâng cao trách nhiệm công vụ của các “công bộc”. Chỉ khi mỗi cán bộ có trách nhiệm thực thi công vụ đều hướng về mục tiêu: vì dân, phục vụ dân, xem việc dân như việc của mình; cơ quan nhà nước quyết liệt xử lý, loại bỏ những “con sâu…” thì không chỉ oan sai, mà mọi khúc mắc của dân đều được giải tỏa, niềm tin của dân vào công lý, vào chính quyền mới không bị mai một.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.