Tránh xáo trộn thị trường

02/04/2019 04:53 GMT+7

Tại TP.HCM, từ cuối năm 2018 đến hết quý 1 năm nay, các DN BĐS rơi vào khó khăn, hoang mang trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc, hồ sơ không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời

Thông tin UBND TP.HCM cho phép 124 dự án bị tạm ngưng triển khai được tiếp tục thực hiện để đầu tư các bước tiếp theo không chỉ tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản (BĐS) mà còn cho thấy chính quyền TP đã nhanh chóng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp (DN).
Thực tế hơn 1 năm nay, thị trường BĐS bao trùm không khí lo lắng, quan ngại sau hàng loạt vụ bê bối đất công bị phanh phui.
Tại TP.HCM, từ cuối năm 2018 đến hết quý 1 năm nay, các DN BĐS rơi vào khó khăn, hoang mang trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc, hồ sơ không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này đang dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đối tượng bị tác động đầu tiên là các DN, hồ sơ pháp lý chậm chạp khiến họ mất đi nhiều cơ hội kinh doanh. Thậm chí, không ít DN đứng trên bờ vực của phá sản vì vay vốn triển khai dự án nhưng lại bị "tắc". BĐS là đầu ra của vài chục ngành, từ vật liệu xây dựng, nội thất, thiết kế... nên ngành này "hắt hơi", các ngành kia cũng bệnh nặng. Hệ lụy thứ hai là ngân sách nhà nước thất thu.
Thu từ đất trước nay chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn thu nhưng quý 1, thu từ BĐS tại TP.HCM đã giảm gần 70% do không có nhiều dự án mới được triển khai. Hệ lụy thứ 3 gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân, đó là cơn sốt nhà đất âm ỉ đang đẩy giá nhà đất tăng cao. Nguyên nhân là do các dự án mới bị tắc pháp lý dẫn đến nguồn cung eo hẹp, giới cò đất, đầu nậu tận dụng tối đa cơ hội này để thổi giá.
Chưa hết, việc bong bóng giá nhà đất không chỉ ảnh hưởng đến các dự án BĐS mà còn tới nhiều công trình giao thông, xã hội khác khi công tác đền bù giải tỏa ngày càng khó khăn...
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội, DN BĐS TP.HCM đã có công văn nói rõ thực trạng cũng như đề xuất giải pháp, nguyện vọng; và chính quyền TP.HCM khá nhanh chóng có chủ trương cho phép 124 dự án bị tạm ngưng triển khai được tiếp tục thực hiện. Việc này không chỉ gỡ khó mà còn thể hiện sự lắng nghe, đồng hành của chính quyền TP với cộng đồng DN.
Trước đó, lãnh đạo TP cũng nhanh chóng đưa ra tuyên bố một số dự án đã được rà soát lại, cơ bản là một vài thủ tục nhỏ cần bổ sung, còn không ảnh hưởng gì tới việc kinh doanh sau khi có văn bản tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với các dự án này nhằm rà soát lại hồ sơ pháp lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Sự linh hoạt trong điều hành của chính quyền TP.HCM là hết sức đúng đắn và cần thiết. Dự án không sai phạm sẽ được "giải tỏa" để tiếp tục nhưng nếu phát hiện sai phạm thì vẫn có thể đưa trở lại danh sách thanh tra. Cơ chế mở này là lời cảnh tỉnh các DN thận trọng hơn trong vấn đề phát triển dự án và cũng là bài học đối với các cơ quan nhà nước trong quản lý, hậu kiểm việc đầu tư, kinh doanh trên thị trường BĐS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.