Việc của 'thiên đình'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/03/2019 05:01 GMT+7

Có lẽ đã đến lúc các địa phương phải nhận thức rõ ràng rằng, chống tham nhũng không thể là việc ở trên “thiên đình”. Đó trước hết phải là công việc tự thân của mỗi địa phương.

Chia sẻ tại hội thảo góp ý cho bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương năm 2018, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển cho biết, sau 2 năm thực hiện “chấm điểm” công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) ở cấp tỉnh, ông phát hiện có sự chênh lệch lớn trong đánh giá giữa địa phương và T.Ư.
Phương pháp đánh giá được triển khai thí điểm 2 năm qua là các địa phương tự chấm điểm, sau đó Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát lại để đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên theo ông Tuyển, vào năm đầu tiên, có địa phương tự chấm tới 98/100 điểm nhưng đến khi rà soát lại thì địa phương đạt điểm cao nhất chỉ hơn 77 điểm, thấp hơn mức tự đánh giá của địa phương tới 21 điểm (!).
Một thông tin đáng lưu ý khác cũng được ông Tuyển đưa ra là trong 4 nội dung được đưa ra đánh giá, gồm quản lý nhà nước về PCTN; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện hành vi tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng thì điểm số của nội dung quản lý nhà nước với các chỉ tiêu ban hành văn bản luôn cao hơn nội dung phát hiện và xử lý tham nhũng.
Những con số nêu trên có thể là minh chứng cho một nhận định được truyền miệng từ lâu nay mỗi khi nói tới công tác PCTN: “trên nóng dưới lạnh”. Đã không ít lần, những lãnh đạo cao nhất của đất nước thúc giục phải khắc phục triệt để tình trạng này, song phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu trong công tác PCTN ở các địa phương.
Hầu hết những đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua đều bắt nguồn từ các cuộc thanh tra, kiểm tra từ T.Ư. Thậm chí, có những vụ việc địa phương báo cáo “không có dấu hiệu vi phạm”, “đúng quy trình”; nhưng đến khi Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc lại lộ ra hàng loạt sai phạm.
Nhưng những “thượng phương bảo kiếm” như Ủy ban Kiểm tra T.Ư hay Thanh tra Chính phủ sẽ không thể bao quát hết được từng ngóc ngách của 63 tỉnh, thành. Công cuộc PCTN càng không thể dựa vào chỉ một hay hai cơ quan như Ủy ban Kiểm tra T.Ư hay Thanh tra Chính phủ.
Trả lời câu hỏi của nhiều cử tri về việc vì sao rất nhiều hành vi vi phạm tại các địa phương xảy ra cách đây cả chục năm nhưng tới nay mới xử lý được, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, chính các cấp ủy ở địa phương, cơ sở còn yếu; chính khâu kiểm tra, giám sát nội bộ ở các địa phương còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “trên nóng mà dưới chưa nóng” này.
Vai trò của cấp ủy ở địa phương, khâu kiểm tra, giám sát nội bộ mới chính là cơ sở để nhóm lên ngọn lửa chống tham nhũng ở địa phương. Thật khó có thể “chuyển lửa” chống tham nhũng về các địa phương nếu như chính các địa phương không biết cách để tự nhóm lấy lửa.
Có lẽ đã đến lúc các địa phương phải nhận thức rõ ràng rằng, chống tham nhũng không thể là việc ở trên “thiên đình”. Đó trước hết phải là công việc tự thân của mỗi địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.