Tỉnh An Giang được ra đời dưới triều vua Minh Mạng như thế nào?

14/02/2022 09:36 GMT+7

Từ năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng bắt đầu chia hạt đặt tỉnh, đổi trấn thành tỉnh, chỉ giữ lại mỗi phủ Thừa Thiên, cả nước có 1 phủ và 30 tỉnh, cho thiết lập quan chức: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh.

Trước đó, vua Minh Mạng bãi bỏ các chức Tổng trấn cùng các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp ở các trấn trước; thiết lập quan chức: Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh thay thế.

Nam kỳ lục tỉnh xưa

T.L

Tổng đốc, Tuần phủ đứng đầu các tỉnh, Đại Nam thực lục (viết tắt là ĐNTL) ghi rõ quyền hạn: “Tổng đốc giữ việc cai trị cả quân, dân, cầm đầu các quan văn quan võ trong toàn hạt. Khảo hạch các quan lại, sửa sang bờ cõi. Tuần phủ giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại”.

“… Phàm trong hạt sự việc gì nên tâu báo, đều được làm chuyên tập tâu lên. Duy Tuần phủ kiêm hạt, khi có chính sự lớn lao về việc hưng lợi trừ tệ thì cùng với Tổng đốc bàn bạc rồi ký tên tâu chung một giấy. Nếu ý kiến khác nhau, thì cho làm tờ tâu riêng” (ĐNTL, tập 3, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.234).

Thời vua Gia Long, bộ máy hành chính vận hành theo cơ chế phân quyền. Đàng Ngoài và Đàng Trong cũ được phân chia lại thành 27 trấn, doanh (hoặc dinh), triều đình Huế trực tiếp quản lý 4 doanh (Kinh kỳ) Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (sau đổi thành phủ Thừa Thiên), Quảng Nam và 7 trấn từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Năm 1802, vua Gia Long thành lập Bắc thành, đặt chức quan Tổng trấn, ủy quyền cho quản lý trực tiếp 11 trấn (nội, ngoại) ở vùng đất phía bắc. Sáu năm sau, 5 trấn phía nam từ Bình Thuận trở vào được gọi là Gia Định thành. Đến năm 1826, vua cho đổi các doanh thành trấn.

Võ quan (phải) và văn quan (trái) thời vua Minh Mạng

John Crawfurd, xuất bản ở London năm 1828

Đến thời vua Minh Mạng thì có nhiều thay đổi: Tháng 10 ÂL năm 1832, việc chia đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức ở phía nam diễn ra tương tự như phía bắc, “năm trước, chia đặt các tỉnh Bắc kỳ [đất kỳ phụ (gần Kinh kỳ) ở phía bắc], những việc mưu ích lợi, trừ tệ hại, thực có công hiệu sờ sờ ra rồi. Các trấn Nam kỳ, địa thế dẫu có lớn, nhỏ, xa, gần khác nhau, nhưng mọi việc như quân, dân, tài chính, thuế khóa, hình án, đều không khác gì Bắc kỳ” (ĐNTL, tập 3, sđd, tr.393).

Trên cơ sở đó, 5 trấn của Gia Định thành cũ được chia thành 6 tỉnh mới: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Long (đổi từ trấn Vĩnh Thanh), Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Xét thấy Vĩnh Long đất rộng, dân giàu hơn cả mọi hạt nên vua cho tách lấy huyện Vĩnh An và Vĩnh Định của tỉnh này gộp với đất Châu Đốc, lập làm tỉnh mới là An Giang.

Các công việc vỗ về Chân Lạp, phòng ngừa Xiêm La, giao hiếu và triều cống của hai nước này, đều giao cho Tổng đốc An - Hà (tức liên tỉnh An Giang và Hà Tiên).

Cảnh chợ ở Sài Gòn

Albert Morice

Thời Minh Mạng, Tổng đốc có trách nhiệm chuyên hạt một tỉnh và kiêm hạt một tỉnh, 6 tỉnh ở Nam kỳ bấy giờ được chia thành 3 liên tỉnh gồm An - Biên, Long - Tường và An - Hà. Tổng đốc Long - Tường (tức liên tỉnh Vĩnh Long và Định Tường) bấy giờ là Thống chế Lê Phúc Bảo (một số tài liệu gọi là Lê Phước Bửu) đóng tại phủ Định Viễn thuộc tỉnh (lớn) Vĩnh Long, dưới có quan Bố chánh Vĩnh Long (bấy giờ là Phạm Phúc Thiệu). Lê Phúc Bảo kiêm luôn chức Tuần phủ tỉnh Vĩnh Long. Bấy giờ, ở Long - Tường thì chỉ tỉnh (vừa) Định Tường mới có Tuần phủ (bấy giờ là Tô Trân) thực thụ, kiêm luôn công việc Bố chánh trong tỉnh. Cả hai tỉnh đều có Án sát và Lãnh binh, mỗi chức một viên. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.