Tình báo Mỹ khủng hoảng nhân sự

05/01/2018 07:35 GMT+7

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng “chảy máu chất xám”, có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Với đội ngũ 21.000 nhân viên, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), trụ sở đặt tại bang Maryland, là nơi xử lý nhiều dữ liệu nhất trong số 17 cơ quan tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, NSA mất hàng trăm tin tặc, kỹ sư cùng chuyên gia cao cấp và một số phòng ban chỉ còn phân nửa nhân sự, theo tiết lộ từ các quan chức đương nhiệm và về hưu. Họ lo ngại tình trạng nhân tài nghỉ việc hàng loạt sẽ đe dọa nền an ninh quốc gia do những người ra đi từng tiếp cận tài liệu mật, theo tờ The Washington Post.
Nhiều nhân viên nghỉ việc từng chịu trách nhiệm thu thập, phân tích thông tin tình báo để trình lên tổng thống hằng ngày. Ngoài ra, họ còn được giao nhiệm vụ khác như theo dõi phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tin tặc Nga và CHDCND Triều Tiên, đồng thời phân tích ý định của chính phủ nước ngoài, bảo vệ hệ thống bí mật lưu giữ thông tin nhạy cảm.
“Tình hình khủng hoảng nhân sự có thể được mô tả là thảm kịch. Nhiều nhân tài ra đi và làm việc trong khối tư nhân với mức lương cao hơn”, Ellison Anne Williams, cựu chuyên gia cao cấp của NSA nghỉ việc hồi năm 2016, cho biết. Trên 10 nhân viên trong Công ty an ninh dữ liệu Enveil do cô Williams sáng lập đều là cựu nhân viên NSA. Một quan chức NSA thừa nhận nhân sự mới tuyển thiếu kinh nghiệm trầm trọng, ảnh hưởng đến sứ mạng cốt lõi là thu thập và phân tích dữ liệu từ mạng lưới tình báo nước ngoài.
Tình trạng “chảy máu chất xám” từng được nêu lên trong cuộc họp hồi năm 2016. Tuy nhiên, Giám đốc NSA Michael S.Rogers phớt lờ thực trạng này và yêu cầu nhân viên chấm dứt phàn nàn. Sau đó, người phát ngôn NSA Tommy Groves thừa nhận các nhân viên lo ngại về việc hàng loạt người nghỉ việc sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn nội bộ. Đây là thời kỳ sóng gió nhất trong lịch sử 65 năm hình thành của NSA. Người dân Mỹ mất niềm tin vào NSA kể từ vụ cựu nhân viên Edward Snowden rò rỉ hàng ngàn tài liệu mật hồi năm 2013. Các tài liệu hé lộ chương trình do thám của NSA nhắm vào người dân Mỹ và khắp thế giới. Snowden đang bị Mỹ truy nã và tị nạn ở Nga. Kể từ vụ Snowden, hàng loạt nhân viên khác bị bắt do rò rỉ tài liệu cùng công cụ tấn công mạng cực kỳ nhạy cảm của NSA, nơi được cho là đứng đầu thế giới về khả năng thâm nhập hệ thống máy tính.
Bên cạnh đó, sự bất mãn và chia rẽ nội bộ ngày càng leo thang giữa lúc ông Rogers đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc NSA21. Các cựu nhân viên chỉ trích NSA21 khiến công việc bị trì trệ và chế độ đãi ngộ mới quá ưu ái cho người làm việc lâu năm hơn là năng lực. Nhiều nhân viên phản ánh quy định hạn chế tiếp cận dữ liệu được ban hành gây cản trở công việc và cuộc truy lùng kẻ phản bội trong nội bộ được đẩy mạnh, dẫn đến bầu không khí căng thẳng và hoài nghi.
Các nhân viên kỳ cựu cho hay nhiều người ra đi một phần là vì bất mãn cách lãnh đạo của ông Rogers, nhậm chức hồi năm 2014. Lo ngại sự bất mãn lên tới đỉnh điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper dưới thời chính phủ Tổng thống Barack Obama hồi năm 2016 từng đề xuất phế truất ông Rogers, theo Reuters.
Cựu chuyên gia an ninh mạng NSA Harold T.Martin III (52 tuổi), bị cáo buộc trộm hàng ngàn tài liệu mật trong 2 thập niên qua, sẽ nhận tội trong phiên tòa diễn ra ngày 22.1 và đối mặt với bản án 10 năm tù giam, theo Reuters. Đây chỉ là một trong số 20 tội danh bị truy tố của ông Martin. Trước đó, ông Martin đã lãnh án 20 năm tù về tội trộm tài liệu an ninh quốc phòng hồi tháng 2.2017. Kể từ thập niên 90, ông Martin bắt đầu thu thập tài liệu mật, lưu vào đĩa cứng và USB, cất giấu tại nhà riêng ở bang Maryland. Số dữ liệu này có dung lượng lên đến 50 terabyte. Sau khi ông Martin bị bắt hồi tháng 8.2016, chính phủ mô tả đây là vụ trộm tài liệu mật nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.