|
Các chứng cứ thu thập gần đây cho thấy phe ly khai dùng tên lửa SA-11 bắn hạ máy bay Boeing 777-400 (số hiệu MH17) ở miền đông Ukraine, khiến 298 người trên chuyến bay thiệt mạng, nhưng vẫn chưa rõ “ai đã bóp cò” và tại sao, AFP dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết.
“Lời giải thích hợp lý nhất… là đây là một sai lầm” và tên lửa được bắn bởi một nhóm người không được huấn luyện để sử dụng hệ thống BUK vốn đòi hỏi sự thành thạo và kỹ năng để vận hành, vị quan chức tình báo cho biết thêm.
Vị này cho rằng trong quá khứ cả quân đội Mỹ và Nga đều bắn nhầm máy bay dân sự.
Một máy bay dân sự Hàn Quốc rơi sau khi bị chiến đấu cơ Liên Xô bắn nhầm vào năm 1983 và Hải quân Mỹ đã bắn rơi một máy bay dân sự Iran vào năm 1988.
“Tất cả chúng ta đều có sai lầm trong quá khứ”, vị quan chức này nói.
Vệ tinh và tình báo Mỹ đã xác nhận MH17 trúng tên lửa SA-11 từ khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine. Có hai phiên bản hệ thống tên lửa BUK do Liên Xô phát triển trong thập niên 1970: BUK-M1 và BUK-M2, NATO gọi là SA-11 Gadfly và SA-17 Grizzly.
"Có 2 điều chúng ta chưa biết tường tận. Ai đã bóp cò? Chúng ta không có tên, quốc tịch hay cấp bậc của người đó", vị quan chức tình báo Mỹ nói. "Và chúng ta cũng chưa biết tại sao".
Các hoạt động bán quân sự của Nga được phát hiện ở miền đông Ukraine, nhưng các cơ quan tình báo Mỹ không có bằng chứng cụ thể cho thấy lính Nga có tham gia vào đơn vị SA-11 đã bắn hạ MH17, các quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Mặc dù Mỹ theo dõi những hoạt động chuyển vũ khí hạng nặng, bao gồm hệ thống phòng không, từ Nga vào Ukraine, nhưng các cơ quan tình báo nước này đã không phát hiện tên lửa SA-11 được đưa đến Ukraine trước khi MH17 bị bắn hạ, cũng theo các quan chức Mỹ.
Mỹ cho rằng cáo buộc chính quyền Ukraine đã bắn hạ MH17 là “không thực tế”, bởi vì Kiev không có những hệ thống tên lửa như thế trong khu vực vốn do phe ly khai kiểm soát.
Chính quyền Kiev không có lý do gì để triển khai vũ khí chống máy bay vì phe ly khai không có trực thăng không kích lực lượng quân đội Ukraine, các quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, các tay súng phe ly khai có động cơ để sử dụng tên lửa đất đối không bởi vì họ phải đối mặt với chiến dịch “chống khủng bố” của lực lượng chính phủ Ukraine, cũng theo các quan chức tình báo Mỹ.
Giới tình báo Mỹ nay lại rất thận trọng khi đánh giá về vai trò của Nga trong vụ MH17, lưu ý rằng: mặc dù Nga có viện trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Mỹ không có chứng cứ trực tiếp cho thấy tên lửa bắn hạ MH17 có xuất xứ từ Nga.
Trước đó, tình báo Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại xác nhận điều ngược lại: tên lửa bắn hạ MH17 có xuất xứ từ Nga, theo hãng tin AP.
Một vị tướng quân đội Nga từng đặt nghi vấn vì sao Washington không cung cấp hình ảnh vệ tinh quân sự để chứng minh MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa.
Tướng Mỹ William Shelton, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Không quân, cho rằng các vệ tinh quân sự rất chính xác, nhưng từ chối bình luận liệu rằng các vệ tinh quân sự Mỹ có thể phát hiện ra vụ phóng SA-11.
Phúc Duy
>> Nga cam kết hỗ trợ điều tra vụ MH17
>> Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết lên án vụ MH17
>> Nga: Chiến đấu cơ Ukraine đã bay sát máy bay MH17
>> Vụ MH17: Phe ly khai Ukraine trao trả hộp đen, thi thể nạn nhân
>> Hộp đen MH17 trong tay phe chống đối Ukraine
>> Tổng thống Obama: Nga cần phải buộc phe ly khai hợp tác trong vụ MH17
Bình luận (0)