Tính khó chịu được định nghĩa là “hành xử theo những cách hung hăng, ích kỷ và thao túng”.
Đồng tác giả nghiên cứu Cameron Anderson, giáo sư tại Trường Kinh doanh Haas, UC Berkeley (Mỹ), nói với Treehugger: “Khó chịu là một khía cạnh tương đối ổn định của tính cách, liên quan đến hành xử theo hướng cãi vã, lạnh lùng, nhẫn tâm và ích kỷ... Họ có xu hướng thù địch và lạm dụng, lừa dối và thao túng người khác vì lợi ích của bản thân và phớt lờ những mối quan tâm hoặc phúc lợi của người khác”.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những người khó chịu từ khi học đại học hoặc sau đại học cho đến khoảng 14 năm sau đó. Họ rất ngạc nhiên khi tính khó chịu không ảnh hưởng đến quyền lực mà nó chỉ đơn giản là không mang lại lợi ích gì đối với quyền chi phối, ngay cả trong các tổ chức tàn khốc và cạnh tranh.
|
Cụ thể, nghiên cứu phát hiện, những người có điểm số cao về tính khó chịu trong bài kiểm tra tính cách không có nhiều khả năng đạt được những vị trí quyền lực trong công việc hơn những người đáng tin cậy, hào phóng và tốt bụng nói chung, theo Treehugger.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những kẻ ích kỷ không đạt được vị trí quyền lực. Chỉ là họ không tới đó nhanh hơn bất kỳ ai khác và việc thao túng, khó chịu không giúp ích gì trong quá trình vươn đến thành công của họ mà thôi.
Giáo sư Anderson chia sẻ: “Tin xấu là các tổ chức thường xếp cá nhân khó chịu vào làm quản lý cũng giống như những người dễ chịu. Nói cách khác, họ cho phép những kẻ ích kỷ, “chíu khọ” giành quyền lực với tốc độ tương tự như bất kỳ ai khác, mặc dù những người như vậy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức", theo Treehugger. Các phát hiện đã được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
“Bài học rút ra là trở thành một kẻ khó chịu, ích kỷ không giúp bạn có được sức ảnh hưởng, quyền chi phối, dù điều đó cũng không gây hại. Vì vậy, những người tìm kiếm quyền lực không nên tham gia vào các hành vi xấu xa, ức hiếp, ích kỷ để đạt được quyền lực cao hơn. Nó không giúp ích gì cả”, giáo sư Anderson nhắn nhủ, theo Treehugger.
Bình luận (0)