Tinh giản biên chế giáo viên: Cần sự minh bạch và phù hợp

Bích Thanh
Bích Thanh
28/02/2024 06:05 GMT+7

Các giáo viên nhìn nhận tinh giản biên chế có mặt tích cực, sẽ là động lực để phát huy năng lực của đội ngũ nhà giáo nhưng vẫn cần sự minh bạch và phương thức phù hợp.

TINH GIẢN LÀ ĐỘNG LỰC NHƯNG PHẢI THỰC HIỆN NHÂN VĂN

Trước chủ trương tinh giản biên chế, giáo viên (GV) Phan Thế Hoài, dạy ngữ văn tại Q.Bình Tân (TP.HCM), nhìn nhận: "Tinh giản biên chế là chủ trương đúng, hay và thiết thực trong bối cảnh ngành giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bởi giờ đây GV không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mà còn phải thể hiện các năng lực, kỹ năng khác để đáp ứng được tình hình mới".

Theo GV này, ngành nghề nào cũng có quy luật "đào thải", việc tinh giản đương nhiên theo chiều hướng tích cực, tính ưu việt là động lực để thay đổi. Ở các trường ngoài công lập, việc tuyển dụng và thanh lý hợp đồng khi GV không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, không được tín nhiệm là chuyện bình thường. Trong khi đó, ở các trường công lập, cứ nghĩ biên chế nhà nước là biên chế suốt đời nên có một bộ phận GV cho rằng lớn tuổi, không chịu đổi mới…

Tinh giản biên chế giáo viên: Cần sự minh bạch và phù hợp- Ảnh 1.

Tinh giản biên chế cũng là động lực để các trường sư phạm đổi mới đào tạo, giúp giáo viên có thể giảng dạy được nhiều môn theo hướng tích hợp liên môn, nhiều kỹ năng và nghiệp vụ nghề nghiệp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chính vì vậy, theo ông Hoài, cần có tiêu chí cụ thể để lượng hóa được năng lực GV và công khai minh bạch để GV "tâm phục khẩu phục". Nếu không làm được điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa của chủ trương hay.

Tương tự, một GV dạy hóa học tại Q.11 (TP.HCM) cho rằng ở góc nhìn tích cực, tinh giản biên chế cũng là động lực để các trường sư phạm đổi mới quá trình đào tạo giúp GV có thể giảng dạy được nhiều môn theo hướng tích hợp liên môn, nhiều kỹ năng và nghiệp vụ nghề nghiệp, trong tâm thế sẵn sàng đổi mới, không ngừng rèn luyện chuyên môn để đạt chuẩn và trên chuẩn.

"Các nhà giáo cũng phải nhận thức tình hình hiện nay đối với nhu cầu việc làm cũng như nhu cầu về sự nghiệp giáo dục để thích ứng với việc dạy tích hợp liên môn và đặc biệt phải luôn luôn có ý thức vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đạo đức nhà giáo. Như vậy mới có thể giữ được việc làm ổn định", GV này nhận định.

Cũng theo GV này, giáo dục là một ngành đặc thù nên thực hiện tinh giản biên chế không phải chuyện đơn giản và không thể tính toán cơ học. Tinh giản phải dựa trên nguyên tắc sao cho thể hiện tinh thần nhân văn, ý nghĩa, tránh xảy ra tình trạng "vắt chanh bỏ vỏ".

KẾ HOẠCH TINH GIẢN: SÁP NHẬP, LUÂN CHUYỂN

Để chủ trương về tinh giản biên chế giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, phù hợp với cơ chế tự chủ, theo đánh giá của các nhà quản lý cơ sở giáo dục, mỗi trường, mỗi địa phương xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế.

Ở khối phòng giáo dục, việc sắp xếp lại hệ thống trường học theo hướng tinh gọn cũng đang là phương thức để các địa phương triển khai. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.7 (TP.HCM) thông tin, với mô hình gộp các điểm trường nhỏ lẻ để tinh gọn hệ thống, tính đến nay quận đã thực hiện sáp nhập từ 4 trường mầm non thành 2 trường, từ 6 trường tiểu học thành 3 trường.

Căn cứ vào số lớp ở từng trường và cân đối mỗi phường có một trường tiểu học, quận sẽ lựa chọn những trường phù hợp để đưa vào diện sáp nhập, gộp những trường nhỏ lẻ thành một điểm trường lớn. Đội ngũ dôi dư ra sẽ được luân chuyển đến các vị trí phù hợp hoặc thuyên chuyển những trường còn đang thiếu.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.7 cho biết trước khi thực hiện sáp nhập, lãnh đạo quận chia sẻ rõ ràng, thẳng thắn để đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên hiểu, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người. Song song với đó là đảm bảo quyền lợi của GV trong diện tinh giản, thực hiện sắp xếp, luân chuyển đội ngũ đảm nhận các vị trí sau tinh giản một cách phù hợp.

Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026, năm học này quận không tuyển dụng viên chức giáo dục đợt 2 mà tính toán để sắp xếp luân chuyển đội ngũ từ nơi thừa sang nơi thiếu theo đề án vị trí việc làm.

Chẳng hạn, hiện nay quận đang xây dựng Trường tiểu học Lê Văn Tám theo mô hình trường tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế nên có thể sẽ dôi dư ra GV do bị khống chế về sĩ số và số lớp học. Như vậy, quận sẽ thực hiện luân chuyển đội ngũ từ trường này đến trường còn thiếu.

Tinh giản biên chế giáo viên: Cần sự minh bạch và phù hợp- Ảnh 2.

Trong một buổi học tích hợp liên môn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn tại Q.6 (TP.HCM), ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết chủ yếu là tinh gọn biên chế. Hiện tại những việc làm nào thiếu nhưng trong quy định vị trí việc làm mới thực hiện tuyển dụng. Những vị trí việc làm dôi dư thì sắp xếp để người lao động đăng ký đi học chuyển đổi sang vị trí việc làm có trong danh mục. Hoặc xây dựng kế hoạch đưa GV chưa đạt chuẩn đi học nâng chuẩn đáp ứng quy định chuẩn trình độ có trong luật Giáo dục 2019. Chỉ với những GV chưa đạt chuẩn nhưng lớn tuổi, không thể đi học thì đưa vào diện tinh giản.

Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT Q.6 tổ chức rà soát đội ngũ GV các trường để nắm tình hình dôi dư cụ thể. Chẳng hạn trường A đang dư 2 GV ngữ văn nhưng trường B có kế hoạch tuyển dụng thì Phòng sẽ làm việc với 2 trường về kế hoạch thuyên chuyển GV. Sau đó sẽ tham mưu với quận để ban hành quyết định.

Cũng chia sẻ về chính sách tinh giản biên chế tại các trường THPT công lập, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết ở hầu hết các trường THPT hiện nay, tuyển dụng không thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng mà do cơ quan quản lý cao hơn thực hiện ngoại trừ số ít trường đặc thù được giao quyền tự chủ tuyển dụng GV như trường chuyên, trường tiên tiến... Do đó, để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Sở GD-ĐT cần rà soát nhân sự ở tất cả đơn vị trường học, thực hiện điều chuyển GV từ trường này qua trường khác nếu xảy ra tình trạng thừa/thiếu GV cục bộ.

Thực hiện theo nguyên tắc "có học sinh phải có GV đứng lớp"

Ngày 12.2 qua, Bộ GD-ĐT đã có trả lời ý kiến của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xung quanh việc không cắt giảm biên chế GV theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.

Theo đó, cử tri một số địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế GV hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, đảm bảo định biên GV trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.

Trả lời nội dung này, Bộ GD-ĐT nêu rõ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất T.Ư giao bổ sung biên chế GV năm học 2023 - 2024 theo Quyết định 72 của T.Ư về biên chế các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị ở T.Ư, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc T.Ư giai đoạn 2022 - 2026, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đề xuất bổ sung biên chế GV năm học 2023 - 2024.

Hiện tại, Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ đã xây dựng xong báo cáo rà soát và phương án đề xuất bổ sung biên chế GV cho các địa phương năm học 2023 - 2024, gửi các cơ quan T.Ư có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để triển khai chủ trương này, các địa phương cần có lộ trình và giải pháp thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện nguyên tắc "có học sinh phải có GV đứng lớp" một cách phù hợp.

Cũng trong nội dung trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cho hay đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ, các cơ quan T.Ư có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của vùng miền, các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.