Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Chính phủ họp về phòng chống dịch, bàn mở cửa trường học. Sáng nay 10.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống dịch thời gian qua và phương hướng thời gian tới. Thủ tướng cho biết những ngày gần đây, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, cần đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, xác định nhiệm vụ, giải pháp mục tiêu cho thời gian tới. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã thống nhất cách làm, mục tiêu, lộ trình thực hiện, triển khai các giải pháp một cách hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục tăng ở nhiều địa phương (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành). Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 156,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 |
Phấn đấu hết tháng 1.2022 hoàn thành tiêm 2 mũi cho người 12 - 18 tuổi. Kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch thời gian qua và phương hướng thời gian tới, diễn ra sáng nay 10.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Hết tháng 1.2022 hoàn thành việc tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho người 12 đến 18 tuổi; khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về tiêm cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi.
Cụ thể, phấn đấu tới 15.12 và chậm nhất tới 31.12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Phấn đấu tới hết tháng 1.2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2022.
Thuốc Molnupiravir |
reuters |
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir. Hôm nay 10.12, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về việc kiểm tra việc cấp phát thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị Covid-19. Công văn cho biết, Bộ Y tế nhận được thông tin về việc một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đưa tin về việc nhiều trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM không tiếp cận được với thuốc Molnupiravir.
Để bảo đảm các trường hợp F0 được tiếp cận nhanh chóng và công bằng với thuốc kháng vi rút Molnupiravir và được hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương rà soát, kiểm tra các thông tin về việc tiếp cận của người bệnh Covid-19 đối với thuốc Molnupiravir; chỉ đạo việc cấp phát thuốc tới người bệnh theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt để người dân được tiếp cận với thuốc kịp thời và công bằng. Bộ Y tế đã phân bổ cho TP.HCM gần 100.000 liều Molnupiravir. Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bổ sung thuốc Molnupiravir theo đề xuất của TP.HCM.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP.HCM kiểm tra việc cấp phát thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 |
21 người dân Lào Cai mắc Covid-19 không rõ nguồn lây. Ngày 10.12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai cho biết, địa phương này ghi nhận 21 người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính Covid-19 trú tại các xã Yên Khánh Hạ, Yên Khánh Thượng (H.Văn Bàn). Trong đó, 2 trường hợp ở xã Yên Khánh Hạ đã được Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân Covid-19 là BN 1360455 và BN 1360456. Đáng chú ý, tất cả những trường hợp này hiện vẫn chưa rõ nguồn lây.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai, BN 1360455 và BN1360456 đều là nông dân, trong 14 ngày gần đây, cả 2 người (cùng gia đình) đều không di chuyển ra khỏi H.Văn Bàn. Qua điều tra sơ bộ, 19 trường hợp tại xã Khánh Yên Thượng có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 đều liên quan đến các bệnh nhân này.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng. Sáng 10.12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.An Dương (TP.Hải Phòng) cho biết, 19 mẫu xét nghiệm gộp của 463 người đang làm việc trong KCN Tràng Duệ (H.An Dương) có kết quả dương tính Covid-19. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sẽ có nhiều ca nhiễm được xác định sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu đơn; bên cạnh đó, ổ dịch này có tính chất giống công trường xây dựng cao ốc của Tập đoàn Hoàng Huy ở P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng.
Ngoài các ổ dịch tại H.Tiên Lãng, Q.Hồng Bàng, Q.Ngô Quyền, tình hình dịch tại KCN VSIP đang có diễn biến phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Thủy Nguyên, ổ dịch tại Công ty TNHH Regina (KCN VSIP) mới ghi nhận 41 ca nhiễm tại nhà máy A (30 ca/13.000 công nhân) và nhà máy D (11 ca/6.900 công nhân). Tính từ ngày 3.11 đến nay, Công ty TNHH Regina đã có 82 ca nhiễm Covid-19.
Thêm 21 công nhân của Công ty giày Rieker Việt Nam ở Quảng Nam dương tính Covid-19. Sáng nay 10.12, ông Trần Lộc Quang, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế TX.Điện Bàn, cho biết sau khi ghi nhận 32 ca mắc Covid-19 tại phân xưởng F của Công ty giày Rieker Việt Nam (đóng ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc, TX.Điện Bàn), ngành y tế địa phương đã triển khai xét nghiệm cho hơn 2.000 công nhân làm chung xưởng sản xuất.
Kết quả xét nghiệm test nhanh và PCR tối qua cho thấy, phân xưởng F có thêm 21 ca dương tính Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, xưởng này ghi nhận tổng cộng 53 ca bệnh. Hiện, Trung tâm y tế thị xã đang phối hợp với chính quyền các địa phương có ca bệnh khẩn trương khoanh vùng, truy vết F1. Đây là ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại Công ty giày Rieker Việt Nam. Trước đó, vào tháng 9, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận hàng chục ca dương tính tại công ty này.
Lâm Đồng có hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19 tính từ đầu dịch. Sở Y tế Lâm Đồng cho biết sáng 10.12 tỉnh ghi nhận thêm 163 ca Covid-19 mới, trong đó, TP.Đà Lạt có thêm 50 ca, H.Đức Trọng 30 ca, H.Lâm 25 ca, H.Đạ Huoai 22 ca, TP.Bảo Lộc và Di Linh đều 13 ca, H.Đơn Dương và Đạ Tẻh đều 4 ca, H.Bảo Lâm và Đam Rông cùng 1 ca. Từ đầu dịch đến nay, Lâm Đồng ghi nhận 5.026 ca Covid-19, trong đó, đang cách ly điều trị 2.570 ca, đã ra viện 2.435 ca, có 15 ca tử vong và 6 ca về địa phương khác.
Hôm nay nhiều huyện trong tỉnh Lâm Đồng trở lại cấp độ dịch vùng xanh gồm: Lạc Dương, Đam Rông, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Riêng H.Đơn Dương chỉ còn xã Ka Đô là cấp độ vùng vàng, các xã và thị trấn trở lại vùng xanh; TP.Bảo Lộc còn 3 phường vùng vàng. Tại H.Lâm Hà và TP.Đà Lạt vẫn còn nhiều phường xã vùng vàng, H.Đức Trọng và H.Đa Huoai vẫn còn nhiều xã vùng vàng và vùng cam...
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, xe khách ở Cà Mau phải lưu danh sách hành khách tối thiểu 21 ngày. Ngày 10.12, Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết vừa ban hành hướng dẫn thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động vận tải. Theo đó, Sở GTVT tỉnh Cà Mau yêu cầu lái xe, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên xe, người làm việc trên phương tiện phải tuân thủ thông điệp 5K; khai báo y tế theo quy định; chạy đúng hành trình, chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm quy định; không dừng đón, trả khách trên suốt hành trình đi qua các địa phương có dịch cấp độ 4. Đồng thời, lập danh sách hành khách đầy đủ trên mỗi chuyến xe và lưu trữ tối thiểu 21 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến đi để phục vụ công tác truy vết phòng chống, dịch Covid-19 khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bình luận (0)