Tình hình Covid-19 hôm nay 10.4: Ca mắc mới dưới mốc 30.000, ca tử vong dưới 20

10/04/2022 20:33 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Ca mắc mới tiếp tục giảm mạnh, xuống dưới mốc 30.000 ca (28.307 ca), số tử vong cũng giảm, dưới 20 ca.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 28.307 ca mắc Covid-19 trong nước, ca tử vong liên tục giảm. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 9.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 28.307 ca nhiễm mới trong nước (giảm 5.831 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành.

Ngày 10.4: Cả nước 28.307 ca Covid-19, 34.991 ca khỏi | Hà Nội 2.181 ca | TP.HCM 770 ca

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh, gồm: Hà Nội 2.181, Bắc Giang 1.533, Nghệ An 1.525, Yên Bái 1.510, Lào Cai 1.219, Phú Thọ 1.203, Tuyên Quang 1.155, Quảng Ninh 1.086, Vĩnh Phúc 938, Thái Bình 918, Bắc Kạn 848, Quảng Bình 840, TP.HCM 770, Thái Nguyên 758, Lạng Sơn 721, Bắc Ninh 590, Đắk Lắk 548, Cao Bằng 515, Lâm Đồng 505.

Các địa phương có số mắc mới dưới 500 ca: Hà Giang 460, Hải Dương 441, Sơn La 417, Hà Tĩnh 409, Gia Lai 399, Hà Nam 398, Quảng Trị 376, Vĩnh Long 348, Tây Ninh 346, Bình Định 340, Hưng Yên 338, Nam Định 316, Bình Phước 299, Ninh Bình 298, Lai Châu 288, Bến Tre 275, Quảng Nam 247, Hòa Bình 243, Điện Biên 242, Thanh Hóa 235, Bình Dương 218, Đà Nẵng 199, Cà Mau 198, Phú Yên 184, Đắk Nông 174, Quảng Ngãi 173, Thừa Thiên - Huế 171, Bà Rịa - Vũng Tàu 138, Bình Thuận 108, Kiên Giang 94, Khánh Hòa 85, Hải Phòng 85, An Giang 84, Trà Vinh 70, Bạc Liêu 63, Long An 59, Ninh Thuận 28, Đồng Nai 27, Kon Tum 25, Đồng Tháp 21, Cần Thơ 16, Hậu Giang 7, Tiền Giang 2.

TP.HCM có chỉ đạo khẩn về việc học sinh học trực tiếp sau ngày 12.4

đ.n.t

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 662, Phú Thọ giảm 449, Bắc Giang giảm 423. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang tăng 196, TP.HCM tăng 134, Bình Thuận tăng 18. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 34.991 bệnh nhân khỏi bệnh. Có 1.403 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 180 ca thở máy xâm lấn và 2 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 19 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Kiên Giang 3 ca, Phú Yên 3 ca trong 2 ngày, Trà Vinh 3 ca trong 2 ngày, Bình Phước 2 ca, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hải Dương, Sóc Trăng, Thái Nguyên và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 1 ca. Số ca tử vong liên tục giảm trong các tuần gần đây (thời điểm cuối tháng 3, trung bình ghi nhận 50 - 60 ca tử vong/ngày).

Nhiều sai sót trong mua sắm kit test, vật tư chống dịch Covid-19 ở Đồng Tháp. Ngày 10.4, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã thông tin cụ thể về kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Kết quả thanh tra từ ngày 7.2 - 4.3 cho thấy, tổng giá trị hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm của các đơn vị trong giai đoạn năm 2020 - 2021 trên 742,6 tỉ đồng. Trong đó, mua sắm trang thiết bị y tế gần 84 tỉ đồng; vật tư y tế hơn 182,8 tỉ đồng; sinh phẩm xét nghiệm trên 305,8 tỉ đồng và kit xét nghiệm gần 170 tỉ đồng. Riêng đối với Công ty CP Công nghệ Việt Á, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mua sắm 10 gói thầu, với giá trị hợp đồng hơn 233 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực tế mua sắm hơn 197,4 tỉ đồng; đã thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền gần 157 tỉ đồng và còn lại hơn 40,6 tỉ đồng chưa thanh toán.

Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, kết quả thanh tra thực tế các gói thầu nhìn chung về hồ sơ, trình tự, thủ tục, giá cả cơ bản được các chủ đầu tư tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình mua sắm thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn một số hạn chế: một vài chủ đầu tư ứng hàng trước khi ký hợp đồng; việc theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý; một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ) đối với các hàng hóa nhập khẩu; biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật; đăng tải kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt chậm hơn thời gian quy định; chưa có hồ sơ bảo hành chứng minh thời hạn sử dụng còn lại của hàng hóa tính từ thời điểm giao hàng và hồ sơ kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để đảm bảo hàng hóa có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng; thiếu hồ sơ chứng minh xuất xứ, mã ký hiệu, nhãn mác, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa...

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, về biện pháp xử lý qua kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành khắc phục ngay những hạn chế. Đồng thời, tổ chức xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư còn thiếu sót trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm.

Sau ngày 12.4, học sinh TP.HCM học trực tiếp ra sao?

TP.HCM chỉ đạo khẩn về việc học sinh học trực tiếp sau ngày 12.4. Ngày 10.4, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục từ 12.4. Theo đó, khi học sinh học trực tiếp, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện thực hiện các nội dung: Từ ngày 12.4, tổ chức chăm sóc, giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cho tất cả trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non (kể cả trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ), tổ chức học tập trực tiếp cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Triển khai nghiêm các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học, chú trọng công tác tổ chức bữa ăn bán trú giúp phụ huynh học sinh an tâm khi cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường.

Tổ chức xây dựng và phát triển nền tảng dạy học trực tuyến, hệ thống học liệu số, bài giảng số có chất lượng dùng chung, phù hợp với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học cho học sinh khi phải đáp ứng yêu cầu cách ly y tế.

UBND TP.HCM cũng giao Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học hoàn thành mục tiêu, đảm bảo chất lượng và công bằng trong tiếp cận giáo dục… UBND TP chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống dịch khi học sinh học trực tiếp.

TP.HCM đề nghị không phân biệt học sinh khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ngày 10.4, Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn hỏa tốc về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Sở GD-ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và chính quyền địa phương triển khai kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TPHCM đang theo học tại các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập và ngoài công lập, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tiêm. Các trường thực hiện thống kê số liệu phụ huynh học sinh đồng thuận, không đồng thuận, số học sinh mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng gần đây. Lập danh sách học sinh chưa có mã định danh và có hộ khẩu thường trú ngoài TP.HCM…

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường huy động giáo viên, nhân viên tham gia hỗ trợ công tác tổ chức tiêm chủng tại trường: Hỗ trợ rà soát, lập danh sách và quản lý thông tin theo từng lớp học; hỗ trợ công tác tổ chức tại điểm tiêm; cập nhật thông tin học sinh đã tiêm lên Hệ thống tiêm chủng Covid-19; hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay trong buổi tiêm chủng; ghi nhận các sự cố bất lợi sau tiêm của trẻ, thống kê kết quả tiêm chủng; thống kê tình hình tiêm chủng của học sinh theo từng lớp vào cuối buổi tiêm để phối hợp ngành y tế tổ chức tiêm vét cho học sinh chưa tiêm hoặc theo dõi học sinh có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện cho đến khi được tiêm chủng… Đối với phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Sở GD-ĐT yêu cầu phối hợp trung tâm y tế tham mưu UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin.

Trước đó, ngày 4.4, UBND TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và dự kiến tổ chức tiêm cho gần 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có khoảng 885.730 trẻ đang đi học và 12.807 trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và chưa đi học.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, nguy cơ chuyển nặng ở trẻ đái tháo đường mắc Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, một nghiên cứu ghi nhận từ tháng 3 - 5.2020, có 532 trẻ em ở Đức được chẩn đoán đái tháo đường loại 1, với 45% biểu hiện hôn mê nhiễm toan ceton, cao gần gấp đôi so với năm trước (24,5%). Tại Vương quốc Anh, các nhà điều tra báo cáo số trường hợp trẻ đái tháo đường type 1 năm 2020-2021, tăng 80% so với những năm trước.

Lý giải cho hiện tượng này, có thể do nhiều yếu tố như chăm sóc y tế chậm trễ, tác động của nhiễm SARS-CoV-2 hay mắc bệnh Covid-19. Ở mỗi người, thụ thể ACE2 có mặt ở nhiều cơ quan như đường hô hấp, phổi, tim gan thận,… bao gồm cả cơ quan ngoại tiết và các mô nội tiết của tuyến tụy. "SARS-CoV-2 liên kết với các thụ thể ACE2 cho phép vi rút xâm nhập và làm hỏng các tiểu đảo của tuyến tụy, dẫn đến bệnh đái tháo đường cấp tính và có thể kích hoạt nhiễm toan ceton", bác sĩ Tiến phân tích.

Bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh khi thấy con em mình sốt, ói, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân,… hãy đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám và định bệnh chính xác, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.