Tình hình Covid-19 hôm nay 13.3: Ca nhiễm giảm so với ngày trước, 95.538 ca khỏi bệnh

13/03/2022 20:47 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay 13.3: Số ca nhiễm trên cả nước vẫn cao nhưng giảm 1.751 ca so với ngày trước đó. Hôm nay cả nước có 95.538 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi lên 3.163.571.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước thêm gần 167.000 ca nhiễm, 95 ca tử vong. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 166.968 ca nhiễm, giảm 1.751 ca so với ngày trước đó. Các ca nhiễm mới ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó, có 100.536 ca trong cộng đồng. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất trong ngày với 29.269 ca. Các tỉnh tiếp theo có nhiều ca bệnh gồm: Nghệ An (10.243 ca), Đắk Lắk (7.569 ca), Phú Thọ (6.534 ca), Bắc Ninh (6.417 ca), Lạng Sơn (4.816 ca), Hưng Yên (4.599 ca), Sơn La (4.538 ca), Hải Dương (4.406 ca), Hòa Bình (4.337 ca)... Một số địa phương có số ca bệnh ghi nhận trong ngày thấp như Cần Thơ (133 ca), Thừa Thiên - Huế (129 ca), An Giang (123 ca), Kiên Giang (111 ca), Đồng Tháp (70 ca), Sóc Trăng (41 ca), Hậu Giang (40 ca), Tiền Giang (27 ca), Ninh Thuận (21 ca). Cũng trong ngày 13.3, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 42.533 ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Hà Nội đã trở thành địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao nhất cả nước trong đợt dịch với 808.384. Tiếp theo là TP.HCM (568.772 ca), Bình Dương (339.051 ca), Bắc Ninh (224.142 ca), Nghệ An (216.172 ca).

Trong ngày 13.3 cả nước có thêm 95.538 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi lên 3.163.571. Hiện cả nước vẫn còn 4.107 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong đó, có 316 ca phải thở máy xâm lấn và 4 ca phải can thiệp ECMO. Từ 17 giờ 30 ngày 12.3 tới 17 giờ 30 ngày 13.3, cả nước ghi nhận thêm 95 ca tử vong tại 34 tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội có số ca tử vong cao nhất với 12 ca. Đa phần các tỉnh, thành chỉ có từ 1 - 2 ca tử vong.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội đã nhiều nhất cả nước

nam sơn

Lập Facebook “Chuyên hàng Trung Quốc” để lừa bán que test Covid-19 giá rẻ chiếm đoạt tiền. Ngày 13.3, Công an Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) khởi tố bị can lừa đảo qua mạng về việc bán que test Covid-19 chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Cơ quan CSĐT Công an Q.Thanh Khê cũng bắt tạm giam Đặng Đức Trọng (29 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trọng đã lấy 250 triệu đồng của 2 nạn nhân mua que test Covid-19 qua mạng xã hội. Trước đó, đầu tháng 2, một người phụ nữ ngụ P.Thanh Khê Tây (Q.Thanh Khê) đọc được thông tin trên mạng xã hội Facebook về tài khoản “Chuyên hàng Trung Quốc” đăng quảng cáo bán que test Covid-19 với giá rẻ. Người phụ nữ này liên lạc với chủ tài khoản Facebook trên, sau khi thỏa thuận giá cả đã chuyển 150 triệu đồng để mua 2.700 que test Covid-19. Nhận được tiền, chủ tài khoản bất ngờ cắt đứt mọi liên lạc với bị hại.

Nhận trình báo, Công an Q.Thanh Khê giao Đội Cảnh sát hình sự chủ công, xác lập chuyên án đấu tranh với tội phạm lừa qua mạng. Do tài khoản Facebook ảo, ẩn danh nên lực lượng gặp nhiều khó khăn để xác định danh tính kẻ lừa đảo. Đến ngày 12.3, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự công an quận xác định và triệu tập Đặng Đức Trọng để làm rõ. Qua đấu tranh, Trọng thừa nhận hành vi phạm tội. Theo khai nhận, Trọng nợ nần và thiếu tiền tiêu xài nên lập tài khoản Facebook ảo đăng thông tin giả mạo về việc bán que test Covid-19 giá rẻ, nhưng thực tế anh ta không có nguồn hàng mà chỉ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để bị hại tin tưởng chuyển tiền, Trọng đã mua 3 thùng khẩu trang và đóng gói, ghi bên ngoài là que test Covid-19 và chụp hình gửi xác nhận đã gửi đơn hàng vào Đà Nẵng cho bị hại. Theo Đội Cảnh sát hình sự, cũng với thủ đoạn trên, Trọng đã lừa đảo bán que test Covid-19 giá rẻ cho một thanh niên tại Hà Nội với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Khánh Hòa triệt phá vụ mua bán kit test Covid-19, khẩu trang y tế lậu. Ngày 13.3, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, Đội phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế) vừa triệt phá thành công vụ mua bán kit test Covid-19, khẩu trang y tế các loại không có hóa đơn, chứng từ với số lượng lớn. Theo Công an Khánh Hòa, sau một thời gian theo dõi, nắm tình hình, chiều 9.3, các cán bộ Đội phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ bất ngờ kiểm tra kho hàng trên đường Thống Nhất (P.Vạn Thắng, TP.Nha Trang) do bà Võ Thị Như Lan (52 tuổi) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 3.900 bộ kit test Covid-19, 65.900 khẩu trang y tế các loại cùng 200 chai dung dịch sát khuẩn. Tại thời điểm làm việc với cơ quan công an, bà Lan đã không chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này.

Bà Lan cũng thừa nhận, từ tháng 11.2021 đã "gom" kit test Covid-19 từ nhiều tỉnh, thành phố về Nha Trang tiêu thụ. Mỗi bộ kit test Covid-19 được bán ra thị trường thu lợi 4.000 - 6.000 đồng. Theo cơ quan công an, trước thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, bà Lan đã nhiều lần bán trót lọt kit test Covid-19 ra thị trường. Đây là vụ buôn lậu kit test lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Hiện vụ việc đang được tiếp điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Thanh tra việc mua sắm kit test, thuốc phòng chống dịch trên địa bàn Đắk Lắk. Chiều 13.3, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác nhận đơn vị đã lập đoàn thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2021 tại Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk. Theo lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, sau khi thanh tra tại 2 đơn vị nói trên, đoàn sẽ tổ chức họp, tổng hợp, đánh giá tình hình mới quyết định tiếp tục hoặc không thanh tra các đơn vị khác. “Việc thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Hiện chúng tôi đang làm việc với Sở Y tế. Dự kiến vào cuối tháng 3 mới kết thúc đợt thanh tra này”, vị lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk trao đổi.

Theo tìm hiểu, hiện cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII cũng vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài chính Đắk Lắk cung cấp các tài liệu liên quan đến việc tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng kit test Covid-19 tại tỉnh Đắk Lắk năm 2020 và 2021. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII có yêu cầu trên nhằm thực hiện việc kiểm toán chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại tỉnh Đắk Lắk.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, giáo viên “chạy sô” dạy học trong mùa dịch Covid-19. Khi số học sinh, giáo viên bị nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong trường học, cô T.T.N., giáo viên dạy sử tại một trường THPT Q.Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ: “Mình phải 'chạy sô' để giảng bài cho học trò. Vừa ngừng dạy trực tiếp trên lớp là phải kiếm phòng trong trường để dạy trực tuyến tiết tiếp theo. Nhiều giáo viên cũng như mình. Có hôm đến 3, 4 giáo viên dạy trực tuyến cùng lúc ở phòng giáo viên”. Một giáo viên dạy giáo dục công dân cũng của trường này cho biết, nhà ở gần trường nên dạy trực tiếp 2 tiết đầu rồi phải vội vàng về nhà để dạy trực tuyến các tiết sau. Trường nào linh hoạt trong việc xếp thời khóa biểu thì giáo viên thoát được cảnh “chạy sô” dạy học như thế. Khi học sinh là F0 ở nhà, nhiều phụ huynh lo lắng con bị mất bài vở. Điều này rất cần đến vai trò của giáo viên, nhất là những lớp ở tiểu học, THCS. Theo sự chỉ đạo của nhiều trường, và từ sự quan tâm thấu đáo của mình, nhiều giáo viên đã chủ động giao bài vở, dạy thêm giờ, thêm tiết cho học sinh ở nhà bằng hình thức trực tuyến. Một giáo viên ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM, trấn an phụ huynh: “Cha mẹ các bé có con F0, F1 yên tâm, giáo viên sẽ có cách giúp các cháu học tập”. Đều đặn, cứ đến 7 giờ tối, cô dạy lại bài học ở lớp cho học sinh F0, F1 bằng hình thức trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.