Tình hình Covid-19 hôm nay 13.4: Chỉ còn 3 tỉnh thành có ca mắc mới trên 1.000

13/04/2022 19:33 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Chỉ có 3 địa phương có số ca mắc mới trên 1.000 gồm: Hà Nội 1.727 ca, Phú Thọ 1.627, Vĩnh Phúc 1.147; 15 tỉnh thành có số ca mắc dưới 100.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay, cả nước có 24.623 ca nhiễm mới, thêm 13.887 ca khỏi bệnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Tất cả đều là các ca bệnh trong nước, tăng 1.819 ca so với ngày trước đó. Các ca bệnh mới ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 19.823 ca trong cộng đồng. Các địa phương có số ca mắc trên 500: Hà Nội 1.727 ca, Phú Thọ 1.627, Vĩnh Phúc 1.147, Nghệ An 989, Yên Bái 972, Đắk Lắk 943, Quảng Ninh 914, Hải Dương 897, Bắc Kạn 850, TP.HCM 848, Tuyên Quang 779, Lào Cai 752, Bắc Giang 730, Thái Nguyên 566, Lâm Đồng 562, Cao Bằng 548, Lạng Sơn 513, Thái Bình 511. Các địa phương có số ca mắc dưới 100: Khánh Hòa 98 ca, Phú Yên 88, Kiên Giang 81, An Giang 61, Long An 59, Trà Vinh 58, Bạc Liêu 32, Đồng Tháp 32, Kon Tum 22, Sóc Trăng 17, Đồng Nai 15, Cần Thơ 4, Ninh Thuận 4, Hậu Giang 3, Tiền Giang 3.

Ngày 13.4: Cả nước 24.623 ca Covid-19, 13.887 ca khỏi | Hà Nội 1.727 ca | TP.HCM 848 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang 282 ca, Lào Cai 236, Hà Nội 215. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương 377 ca, Phú Thọ 243, Vĩnh Phúc 232. Trong ngày 13.4, có 13.887 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca Covid-19 khỏi bệnh tại Việt Nam lên 8,77 triệu ca. Hiện cả nước còn khoảng 1.205 bệnh nhân phải thở ô xy. Trong đó, có 158 ca phải thở máy xâm lấn và 3 ca phải can thiệp ECMO. Cũng trong ngày 13.4, có 20 ca tử vong do Covid-19 tại 12 tỉnh thành. Đa phần các tỉnh thành chỉ có từ 1 - 3 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Giáo viên 1 trường mầm non ở Hà Nội chuẩn bị để đón trẻ trở lại trường từ hôm nay 13.4

t.m

Kiên Giang gia hạn thời gian thanh tra việc mua kit test Covid-19 liên quan Việt Á. Ngày 13.4, ông Nguyễn Văn Đức, Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang, cho biết đoàn thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc; sinh phẩm, kit test phòng, chống dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa thanh kiểm tra xong. Do tính chất phức tạp nên Kiên Giang cho gia hạn thanh tra thêm 25 ngày. “Chúng tôi cố gắng đến cuối tháng này sẽ có kết luận chính thức”, ông Đức thông tin thêm. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, ngày 27.12.2021, Thanh tra tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 246 thanh tra việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các dịch vụ y tế; mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc; sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngày 22.9.2021, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang ký hợp đồng với Công ty Việt Á mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên địa bàn tỉnh trị giá gần 65 tỉ đồng. Trong hợp đồng có nhiều danh mục hàng hóa như: hơn 129.044 kit test (đơn giá mỗi kit test là 367.500 đồng), tổng trị giá trên 47,4 tỉ đồng; bộ hóa chất tinh sạch Axit Nucleic với số lượng 129.044 test, đơn giá mỗi test là 132.000 đồng, tổng trị giá trên 17 tỉ đồng… Ngoài ra, Công ty Việt Á có tặng cho tỉnh Kiên Giang 1 máy xét nghiệm và kèm theo 900 kit test. Sau đó, khi hết sinh phẩm, Kiên Giang mua thêm 800 kit test của Công ty Việt Á.

H.Củ Chi có tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất ở TP.HCM. Theo thống kê từ các phòng giáo dục TP.Thủ Đức và quận, huyện, tỷ lệ phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM là khoảng 77,58%. Cụ thể, những địa phương có tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cao là H.Củ Chi (94%), Q.Bình Tân (91%), H.Cần Giờ (90%), H.Hóc Môn (87%), H.Bình Chánh (83%)… Theo thống kê chung ở từng bậc học, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con em tiêm vắc xin cao nhất là khối lớp 6, với 88,32%. Sau đó đến phụ huynh học sinh ở bậc tiểu học là 74,18%; tỷ lệ phụ huynh và người giám hộ, chăm sóc trẻ 5 tuổi là 60,76%.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.4, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay số liệu thống kê trên là tính đến ngày 7.4. Hiện nay các trường đang chuẩn bị tất cả thủ tục cần thiết để khi có vắc xin là phối hợp với ngành y tế, thực hiện tiêm phòng ngay cho học sinh. Ông Dũng nói thêm tinh thần là học sinh trường nào sẽ tiêm ở trường đó nhằm tận dụng tối đa sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngành y tế. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, trung tâm y tế… các quận huyện sẽ đi kiểm tra, thẩm định, nếu trường nào không đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ bố trí điểm tiêm tại trường khác trong địa bàn.

5 ngày liên tiếp, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19

6 ngày liên tiếp, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 12.4, TP.HCM có 658 ca mắc Covid-19. Trong đó, chỉ có 111 ca nhập viện, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 1.383 ca. TP.HCM chỉ còn 33 ca cách ly tập trung và 15.767 ca cách ly tại nhà. Như vậy, hiện tại, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị tổng cộng 17.183 ca, bằng 1/6 so với cùng kỳ tháng trước (106.000 ca). Trong số ca nằm viện, chỉ còn 280 ca cần hỗ trợ hô hấp, 49 ca thở máy xâm lấn, 134 ca là trẻ em và 5 ca là phụ nữ mang thai.

Tính từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có 603.215 ca mắc Covid-19 và 20.488 ca tử vong được công bố. Ngày 12.4 là ngày thứ 5 liên tiếp TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19. Cập nhật đến chiều 13.4, TP.HCM không có ca tử vong, như vậy, liên tục 6 ngày, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19. Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, hiện TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 20,4 triệu liều (bao gồm hơn 8,1 triệu liều mũi 1; hơn 7,3 triệu liều mũi 2; 682.254 liều mũi bổ sung và hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại).

1/5 bệnh nhân Covid-19 gặp triệu chứng khô mắt. Mặc dù các dấu hiệu ban đầu của Covid-19 chủ yếu liên quan đến hệ hô hấp, nhưng theo thời gian, một số triệu chứng mới không liên quan đến phổi đã được tiết lộ. Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra dấu hiệu mới được báo cáo ở khoảng 20% ​​số người bị nhiễm Covid-19 là khô mắt, theo nhật báo Anh Express. Dấu hiệu phổ biến nhất của chứng khô mắt sau khi nhiễm Covid-19 là nhìn mờ, ngứa, đau và rát. Một số trường hợp bị chảy nước mắt, đổ ghèn và đỏ mắt. Một số dấu hiệu ít gặp hơn là cộm trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng và sưng mí mắt.

Một nghiên cứu năm 2021 cũng cho thấy khoảng 1/10 người nhiễm Covid-19 có các triệu chứng về mắt, phổ biến nhất là khô mắt. Các nghiên cứu xác định rõ ràng rằng khô mắt có thể là một dấu hiệu báo trước của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng về mắt do Covid-19 tự khỏi trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Nước mắt nhân tạo có thể giúp giảm các triệu chứng. Nhưng nếu cảm thấy khó chịu nhiều, nên đi khám, theo Express. Ngoài ra, nên: Tránh khói, luồng không khí trực tiếp và gió; Uống đủ nước mỗi ngày; Sử dụng máy tạo độ ẩm để không khí không bị khô; Chườm ấm lên mắt.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, báo cáo các triệu chứng phổ biến của biến thể Omicron. Các triệu chứng Omicron trùng lặp với các triệu chứng cảm lạnh điển hình. "Các triệu chứng được báo cáo nhiều nhất của Omicron thực sự rất giống cảm lạnh, đặc biệt là ở những người đã được tiêm vắc xin Covid-19", tiến sĩ Claire Steves của trường King's College London (Anh) cho biết. Ngoài ra, các triệu chứng có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Những người có các triệu chứng này có thể mắc Covid-19, theo tiến sĩ Steves. Các triệu chứng phổ biến nhất của biến thể Omicron: Sốt hoặc ớn lạnh; Ho; Thở gấp hoặc khó thở; Mệt mỏi; Đau nhức cơ hoặc cơ thể; Đau đầu; Mất vị giác hoặc khứu giác mới. Mặc dù biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn biến thể Delta, nhưng nhiều bác sĩ tin rằng Covid-19 sẽ không bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Các bác sĩ cho biết, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân chống lại Omicron là tiêm chủng và tăng cường sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.