Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: TP.HCM xây dựng thế trận y tế với nhiều giải pháp ứng phó biến chủng Omicron. Ngày 14.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron SARS-CoV-2 với nhiều giải pháp trọng tâm. Cụ thể: Tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải thông qua việc thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến chủng Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp.
Thế trận y tế với 8 giải pháp ứng phó biến chủng Omicron của TP.HCM |
Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron; Tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến chủng Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa. Triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại; Kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến cấp huyện và cấp xã…
Tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM |
duy tính |
Hà Nội lên kịch bản ứng phó khi F0 tăng 3.000 ca/ngày. Thông tin với báo chí ngày 14.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tính từ 11.10 đến 13.12, toàn thành phố ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng tuần từ ngày 6.12 đến ngày 12.12 phát sinh thêm 4.550 ca, đặc biệt ngày 12.12 lên tới gần 900 ca. Hiện thành phố vẫn còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh.
Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.
Hà Nội lên kịch bản ứng phó khi F0 mắc Covid-19 tăng 3.000 ca:ngày |
Ca nhiễm Covid-19 ở Bạc Liêu đã qua mốc 20.000. Sáng 14.12, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận thêm 475 ca mắc Covid-19, tăng 141 ca so với ngày 13.12, trong đó có 244 ca cộng đồng, 175 ca trong các khu phong tỏa, 50 ca trong các khu cách ly tập trung và 6 ca là người dân từ các tỉnh, thành khác trở về. Theo thống kê, từ ngày 27.4 đến nay, tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 20.397 ca mắc Covid-19; có 14.336 ca khỏi bệnh, xuất viện; 176 ca tử vong; hiện còn 5.885 ca đang điều trị, trong đó có 1.014 ca đang điều trị tại nhà.
Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, vừa ký quyết định về việc cập nhật, công bố cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh và áp dụng bổ sung quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo cấp độ 3 (cấp nguy cơ cao, vùng cam). Thời gian áp dụng từ ngày 14.12.
Cà Mau yêu cầu không để xảy ra tình trạng bệnh nhân Covid-19 không được tư vấn, cấp thuốc. Ngày 14.12, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch Covid-19, với quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị, có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị. Văn bản cũng nêu rõ phải điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Triển khai sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho tất cả F0.
Lào Cai dỡ “lệnh” cách ly người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. UBND tỉnh Lào Cai đã ra thông báo dừng thực hiện quy định cách ly tập trung đối với người đến từ TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai, có hiệu lực từ hôm nay 14.12. Theo UBND tỉnh Lào Cai, quyết định dừng cách ly tập trung người đến từ 4 địa phương để chuyển sang trạng thái thích ứng, linh hoạt trong kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Động thái này của UBND tỉnh Lào Cai nhằm thu hút khách du lịch từ các tỉnh phía nam đến với các địa phương này trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trước đó, từ 5.10, UBND tỉnh Lào Cai ban hành công văn yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu người đến, về Lào Cai từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An phải thực hiện cách ly tập trung và thực hiện xét nghiệm.
Gần 17.000 người ở TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3. Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 14.12, TP.HCM đã tiêm 14,8 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 7,9 triệu liều mũi 1 và 6,9 triệu liều mũi 2. Đặc biệt, TP.HCM đã tiêm gần 17.000 liều vắc xin mũi 3, gồm 5.747 liều bổ sung và 11.243 liều nhắc lại.
Như vậy, đối với người từ 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã tiêm 7,2 triệu liều mũi 1 (đạt 100,53 %), 6,2 triệu liều mũi 2 (đạt 86,6 %). TP.HCM cũng đã tiêm 1,79 triệu liều mũi 1 (đạt 90,3%) và 1,7 triệu liều mũi 2 (đạt 86,9 %) cho người từ 50 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi, TP.HCM đã tiêm 697.726 liều mũi 1 (đạt 99,3 %) và 630.104 liều mũi 2 (đạt 89,69 %).
Covid-19 sáng 14.12: Cả nước 1.428.428 ca | Cảnh báo TP.HCM sắp phải hứng làn sóng dịch mới |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, chuyên gia kiến nghị TP.HCM tổ chức đưa đón người dân ngoại tỉnh về quê dịp Tết. Chiều 14.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu Covid-19, vấn đề và kiến nghị”. GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế tại Mỹ cho rằng việc trước mắt mà thành phố cần làm là giúp người dân an tâm và có một cái Tết hạnh phúc và ấm no. Chuyên gia này nhấn mạnh Tết là dịp quan trọng, thành phố cần có những món quà chăm lo cho người dân các tỉnh đã đến làm việc, đóng góp cho thành phố. Bên cạnh đó, cung cấp các chuyến xe để đưa người lao động, người dân ngoại tỉnh về quê ăn Tết và đón họ trở lại. "Hành động này vừa là dịp để lãnh đạo thành phố thể hiện sự quan tâm đối với người dân ngoại tỉnh, vừa đảm bảo để họ quay lại thành phố làm việc sau Tết", GS Hà Tôn Vinh phân tích.
Bình luận (0)