Tình hình Covid-19 hôm nay 17.1: Chấn chỉnh công tác quản lý cách ly, tiêm vắc xin

17/01/2022 19:58 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Bộ Y tế có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ thông tin báo chí nêu ý kiến người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly chưa phù hợp, tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc xin…

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ngày 17.1 có 16.325 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 16.1 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.378 ca nhiễm mới, trong đó 53 ca nhập cảnh và 16.325 ca trong nước (tăng 682 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới, có 11.178 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội 2.955 ca, Đà Nẵng 924 ca, Hưng Yên 675 ca, Bình Định 640 ca, Hải Phòng 638 ca, Bình Phước 609 ca, Bến Tre 588 ca, Khánh Hòa 556 ca…

Ngày 17.1: Cả nước 21.744 ca Covid-19, 20.172 ca khỏi | Hà Nội 2.955 ca | TP.HCM 204 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh giảm 130 ca, Lạng Sơn giảm 129 ca, Khánh Hòa giảm 124 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau tăng 270 ca, Trà Vinh tăng 177 ca, Thái Nguyên tăng 127 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 20.172 ca khỏi bệnh. Từ đầu dịch đến nay, 1,74 triệu ca đã được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua ghi nhận 179 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, 12 ca tại TP.HCM (1 ca chuyển đến từ Tiền Giang), An Giang 23 ca (trong 2 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu 15 ca (trong 2 ngày), Hà Nội 14 ca, Khánh Hòa 7 ca…

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh công tác phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19

duy tính

Chấn chỉnh ngay việc áp dụng các biện pháp chống dịch không phù hợp. Hôm nay 17.1, Bộ Y tế có công văn đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu, nếu có vi phạm, yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Bộ Y tế, mới đây, ngày 11.1, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi báo chí nêu ý kiến người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp như: “Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục”; “Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc xin”... Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 tại TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp từ 14.2

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, gồm: tại Hà Nội 1 ca, Quảng Nam 27 ca, TP.HCM 30 ca, Hải Dương 1 ca, Hải Phòng 1 ca, Thanh Hóa 2 ca, Đà Nẵng 3 ca, Khánh Hòa 2 ca và Long An 1 ca. Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết, 168,96 triệu liều đã tiêm trên cả nước. Trong đó, tiêm mũi 1 là 78,61 triệu liều, tiêm mũi 2 là 72,43 triệu liều và tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17,9 triệu liều.

Người dân Thái Nguyên được tổ chức tất niên ở nhà hàng. Ngày 17.1, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định mới điều chỉnh quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Thái Nguyên. Trong đó, đáng chú ý là cho phép mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách ngồi tại chỗ, nhưng phải đảm bảo giãn cách để phòng dịch Covid-19. Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo không quá 50% công suất, số lượng người cùng một thời điểm, bàn ăn cách bàn ăn tối thiểu 2 m. Các bàn ăn phải có tấm chắn ngăn giọt bắn, không gian kinh doanh phải thông thoáng và quản lý được thông tin khách hàng.

UBND tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các cơ sở kinh doanh bán hàng cho khách mang đi hoặc sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách để đảm bảo phòng dịch Covid-19. Cũng trong văn bản này, Thái Nguyên tiếp tục tạm dừng hoạt động của các dịch vụ karaoke, massage, xông hơi, quán ăn vỉa hè, các điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử, vui chơi trong nhà.

Không còn quận, huyện là vùng đỏ, TP.Hải Phòng lên kế hoạch phục hồi ngành du lịch. Theo thông tin mới nhất mà CDC Hải Phòng cung cấp, từ 12 giờ ngày 17.1, không còn quận huyện nào ở TP.Hải Phòng nằm trong cấp độ 4 (vùng đỏ). Trong đó, H.Bạch Long Vĩ là cấp độ 1 (vùng xanh), H.Cát Hải là cấp độ 2 (vùng vàng) và các quận, huyện còn lại là cấp độ 3 (vùng cam). Sau khi công bố cấp độ dịch mới, UBND TP.Hải Phòng cho biết đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng.

Mục đích của kế hoạch này là xác định các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để hồi phục hoạt động du lịch TP.Hải Phòng trong năm 2022 phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và đảm bảo thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Kế hoạch cũng đề ra các phương án tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi, thích ứng trong tình hình mới; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn thành phố; chủ động, kết nối các tỉnh, thành phố để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng; đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - điểm đến an toàn, tin cậy” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Cà Mau ghi nhận 403 ca mắc mới, chuẩn bị tổ chức học trực tiếp sau tết. Ngày 17.1, tin từ Sở chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau, trong ngày hôm nay tỉnh ghi nhận 403 ca mắc Covid-19 mới (13 ca qua xét nghiệm PCR, 390 ca qua test nhanh) và 1 ca tử vong. Trong đó, có 340 ca cộng đồng, 63 ca đang cách ly. Cụ thể số ca mắc: TP.Cà Mau có 89 ca; H.Trần Văn Thời 88 ca; H.Đầm Dơi 48 ca; H.U Minh 39 ca; H.Ngọc Hiển 38 ca; H.Cái Nước 31 ca; H.Phú Tân 30 ca; H.Thới Bình 27 ca; H.Năm Căn 9 ca và ngoài tỉnh về 4 ca.

Cũng theo Sở chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau, tính từ năm 2021 đến ngày 17.1, tỉnh đã xét nghiệm PCR 922.253 mẫu và test nhanh hơn 1 triệu mẫu. Cùng ngày, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết ông Nguyễn Minh Luân, phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa có văn bản chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trực tiếp dự kiến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Bộ Y tế chấn chỉnh việc phòng, chống dịch Covid-19 không phù hợp

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM tiếp tục gia hạn gói hỗ trợ đợt 3 đến trước Tết Nguyên đán. Tại buổi họp báo chiều 17.1, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐ-TB-XH), cho biết đến nay có 17/22 địa phương hoàn thành chi trả gói hỗ trợ đợt 3 (mức chi 1 triệu đồng/người). Các quận khác có tỷ lệ cao gồm Q.7 đạt 97%, Q.11 đạt 92,3%, Q.12 đạt 88,1%. Hiện nhiều phường, xã đã phát thư mời để rà soát người cách ly, điều trị (F0 khỏi bệnh) trở về để tiếp tục chi trả. Riêng Q.11 đang cập nhật lại hồ sơ để chi trả đợt 3 cho người dân. Đáng chú ý, ông Lâm cho biết Sở LĐTBXH có văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính cấp kinh phí bổ sung để Q.Bình Tân và 2 huyện: Bình Chánh, Củ Chi chi trả dứt điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Gói hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM được ban hành từ hồi tháng 9.2021 để hỗ trợ cho người khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của giãn cách xã hội và dịch bệnh Covid-19, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ban đầu, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn tất giải ngân gói hỗ trợ cho người dân trong khoảng 2 tuần, từ 22.9 đến 4.10.2021 nhưng sau đó liên tục gia hạn thời điểm kết thúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.