Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Việt Nam mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer. Phó thủ tướng Lê Minh Khái hôm qua 17.9 ký Quyết định số 1547/QĐ-TTg về kinh phí mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer. Quyết định nêu rõ, sử dụng 2.652 tỉ đồng từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16.9.2021. Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất quỹ theo quy định. Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 34 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó 27 triệu liều đã tiêm. Bộ Y tế dự kiến có khoảng 103,4 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam từ nay đến hết năm 2021.
Tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở vùng xanh, vùng vàng của TP.HCM giảm mạnh. Theo báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau 3 đợt xét nghiệm, tỷ lệ dương tính Covid-19 vùng nguy cơ là vùng xanh, vùng vàng giảm. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 23.8 đến 31.8, tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,9%; vùng vàng là 1,6%. Đợt 2 từ ngày 1.9 đến 6.9, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh không đổi nhưng tỷ lệ dương tính vùng vàng giảm còn 1,5%. Từ 7.9 đến nay, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh chỉ còn 0,5% và vùng vàng chỉ còn 0,6%. Từ nay đến hết ngày 30.9, tại các vùng đỏ, vùng cam sẽ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5 - 7 ngày/lần.
Hà Nội yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng. Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các trung tâm y tế, bệnh viện yêu cầu thực hiện công điện của Bộ Y tế, lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, rà soát lấy mẫu 100% đối tượng ho, sốt, có triệu chứng Covid-19. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu dựa trên tình hình dịch bệnh diễn biến tại địa phương, các đơn vị nghiên cứu thực hiện nội dụng theo Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15.9 của Bộ Y tế. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng. Đặc biệt, rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác… Thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của thành phố.
Công an TP.HCM làm thủ tục cấp giấy đi đường kể cả thứ 7, chủ nhật. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM thông tin, để đảm bảo yêu cầu tiến độ cấp giấy đi đường phục vụ doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa hoạt động, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an địa phương phải tham mưu cho UBND có hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp giấy đường cho người dân. Đồng thời, công an địa phương phải trực xuyên suốt, bao gồm thứ 7, chủ nhật và phải giải quyết trong ngày thủ tục cấp giấy đi đường. Công an TP.HCM cũng cho biết đã cấp bổ sung trên 15.000 giấy đi đường xuống công an địa phương để cấp cho một số cá nhân, doanh nghiệp được hoạt động trở lại sau ngày từ ngày 16.9.
Đà Nẵng rà soát người nước ngoài, kiều bào để tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ngày 18.9, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết đang khẩn trương, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận huyện, các sở ngành và các cơ quan lãnh sự nước ngoài tiến hành rà soát lập danh sách người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài (kiều bào) để tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Các thông tin sẽ được rà soát, gồm: địa bàn cư trú, quốc tịch, đối tượng đã tiêm (mũi 1/mũi 2), đối tượng chưa tiêm nhằm đảm bảo tất cả người nước ngoài và kiều bào đang sinh sống, làm việc trên địa bàn, không phân biệt quốc tịch, không phân biệt hình thức cư trú được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay có hơn 4.000 người nước ngoài và kiều bào đang cư trú trên địa bàn Đà Nẵng với nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó người mang quốc tịch Hàn Quốc chiếm tỉ lệ đông nhất (20,5%).
TP.HCM khẩn trương xây dựng chính sách chăm lo cho trẻ mồ côi do Covid-19. Ngày 18.9, UBND TP.HCM có công văn khẩn, yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi vì Covid-19 cũng như nhu cầu thực tế của từng hoàn cảnh để TP.HCM xây dựng chính sách chăm lo. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao các quận huyện và TP.Thủ Đức rà soát, lập danh sách các trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19; tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm, cụ thể gồm các nhóm: Gia đình tự nuôi dưỡng; Gửi Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương quận, huyện và TP.Thủ Đức; Gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng; Nguyện vọng khác, để gửi tham mưu trình UBND TP.HCM trước ngày 25.9.2021.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Ninh Thuận tổ chức đón các thai phụ, phụ nữ đang nuôi con nhỏ từ TP.HCM về quê. Ngày 18.9, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành kế hoạch tổ chức đón các phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại TP.HCM trở về quê (đợt 1). Theo đó, nhóm đối tượng ưu tiên được tỉnh đón về là người đi khám, điều trị bệnh và bị kẹt tại TP.HCM có hồ sơ khám, chữa bệnh của bệnh viện; phụ nữ mang thai từ 37 - 39 tuần tuổi, có giấy siêu âm, phiếu khám thai của bác sĩ chuyên khoa và người thân đi theo; phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi có giấy khai sinh của trẻ, gồm có 2 con nhỏ và chồng cùng về. Đợt 1 này Ninh Thuận dự kiến đón khoảng 236 người, bao gồm người đi cùng. Dự kiến ngày 22.9, Ninh Thuận sẽ đưa xe vào TP.HCM để đón các thai phụ về quê, cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của tỉnh, cơ sở Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận.
Bình luận (0)